104 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, Đại tá Hoàng Long Xuyên (tổ 3, phường Chùa Hang, T.P Thái Nguyên) đã thung dung bước qua 2 thế kỷ. Trải qua 4 cuộc kháng chiến vệ quốc và giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ông cầm quân chỉ huy nhiều trận đánh mà ít người biết. Trở về cuộc sống thường nhật, ông giản dị, gần gũi, hòa đồng. Nói về chuyện xưa, ông vẫn rành rọt nhắc lại những ký ức đã trên 80 năm như cổ tích giữa đời.
Ngôi nhà cấp 4 giản dị Đại tá Hoàng Long Xuyên đang sinh sống ở tổ 3, phường Chùa Hang (T.P Thái Nguyên) ngập tràn hoa lá. Thật khó tưởng tượng ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng da dẻ ông vẫn hồng hào, lưng thẳng, bước đi vững chãi, giọng nói sang sảng. Chúng tôi hỏi về bí quyết sống khỏe, ông cười, gương mặt hằn vết thời gian: Người ta vẫn nói tôi người gầy mình hạc sống khỏe, sống thọ, bí quyết của tôi là suy nghĩ lạc quan, sống tích cực, ăn uống, sinh hoạt điều độ.
Đại tá Hoàng Long Xuyên sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo tại Cao Bằng. Năm 1940, ông tham gia mặt trận Việt Minh, vào Hội Thanh niên cứu quốc rồi được kết nạp vào Đội Trung kiên. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1941, ông là một trong 10 thanh niên trung kiên tiêu biểu được Bác Hồ, đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chọn gửi sang học quân sự tại Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc), về nước ông gia nhập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đầu năm 1945. Bởi vậy ký ức rõ nhất của ông là về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông mở đầu câu chuyện: Đó là vị tướng trong lòng tôi vô cùng ngưỡng mộ, kính trọng. Đại tướng là người vừa giỏi văn vừa giỏi võ.
Trong cuộc đời binh nghiệp, thật khó để nhớ chính xác ông đã tham gia và trực tiếp chỉ huy bao nhiêu trận đánh. Song kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời chỉ huy của ông là trận Đông tiến để giải phóng Lạng Sơn từ tay quân Nhật năm 1945. Và trận đánh này càng ý nghĩa hơn khi đó chính là thành tích quan trọng để ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ông kể: Trước trận đánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có gọi tôi lại dặn dò: “Phương châm hoạt động của đoàn Đông tiến lấy chính trị làm trọng, quân sự hỗ trợ cho chính trị. Trận đầu tiên phải thắng để gây thanh thế cho Việt Minh ở tỉnh Lạng Sơn. Ở Cao Bằng, ta đã thắng giòn giã Phai Khắt, Nà Ngần”. Những lời căn dặn đó của Đại tướng đã tiếp thêm sức mạnh, dũng khí cho tôi và anh em chiến sĩ. Chiến dịch giành chính quyền Lạng Sơn thành công, tôi vinh dự được kết nạp Đảng ở đơn vị. Tham gia cách mạng từ năm 1940, 1941, trải qua biết bao thử thách, khi nhận quyết định vào Đảng, tôi thấy thật vinh dự, tự hào, tôi đã khóc, nhớ đến các đồng chí, đồng đội đã hy sinh và nguyện mãi kiên định với lý tưởng của Đảng, với con đường mà Bác Hồ đã chọn. Ông vừa nói, nước mắt vừa rơm rớm. Ký ức xưa mà như mới hôm qua.
Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn bó với công tác xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Lạng Sơn. Sau giải phóng tỉnh, năm 1949, ông là Phó Tư lệnh Mặt trận Long Châu, tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn giải phóng Quảng Tây giúp cách mạng Trung Quốc đánh quân Tưởng Giới Thạch; tham gia Chiến dịch Biên giới (năm 1950). Năm 1951, Bộ Tổng Tư lệnh thành lập Đại đoàn 316 trên cơ sở 3 trung đoàn: Trung đoàn 174, Trung đoàn 98 và Trung đoàn 176. Ông Xuyên khi đó là Trung đoàn trưởng được giao nhiệm vụ xây dựng bộ đội chính quy cho Tỉnh đội Lạng Sơn. Sau này, ông được giao trọng trách Giám đốc Công an vũ trang Khu tự trị Việt Bắc kiêm Chỉ huy trưởng Công an Vũ trang khu tự trị Việt Bắc (nay là Bộ đội Biên phòng). Năm 1986, ông nghỉ hưu với quân hàm đại tá.
Sau khi về hưu, trở về cuộc đời thường nhật, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông luôn sống giản dị, đúng mực để con cháu noi theo. Các con cháu ông đều trưởng thành, nhiều người là đảng viên, giữ vị trí lãnh đạo ở các cơ quan Nhà nước. Ông luôn răn dạy các con sống có đạo, hiếu, nghĩa tình, ham học hỏi, biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ mọi người. Năm nay tròn 75 năm ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cuối năm 2019, ông đã được trao tặng Huy hiệu sớm. Ông luôn tự hào vì cuộc đời mình đã đi theo Đảng, Bác Hồ và đóng góp công sức nhỏ bé cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
“Vào sống, ra chết suốt hơn 30 năm chiến tranh, tôi luôn tâm niệm, nếu bản thân không trung thành với Đảng, nếu không đi theo con đường mà Bác đã chọn thì không thể có tôi của ngày hôm nay”. Đại tá Hoàng Long Xuyên
Anh Hoàng Văn Tiến, con trai ông Hoàng Long Xuyên tâm sự: Ông chính là tấm gương cho con cháu noi theo. Đầu tiên là sự tuyệt đối trung thành tận tụy với Đảng, quan tâm đến cấp dưới, không quan liêu, hách dịch. Trong công việc và cuộc sống luôn hòa đồng, gắn bó với mọi người, hết lòng vì bạn bè. Đặc biệt là dù hoàn cảnh khó khăn vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Bố tôi cũng là người chồng, người cha mẫu mực, yêu thương vợ con. Ông luôn khuyên răn con cháu phải chăm chỉ học hành, lấy chữ Đức làm đầu. Chính ông là tấm gương để tôi sống, làm việc nghiêm túc trách nhiệm. Tôi học ông cách đối nhân xử thế, cư xử với đồng nghiệp, cấp dưới.
Luôn theo dõi các thông tin về đại hội đảng các cấp trên báo, đài, ti vi hàng ngày. Trả lời câu hỏi của tôi: Nếu để gửi gắm đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, ông sẽ nói những điều gì, ông bảo: “Ở thời nào cũng vậy, đối với cán bộ, đảng viên cần ghi nhớ 3 chữ: Đức - Tài - Tư. Bác Hồ đã dạy rồi, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó nhưng có tài mà không có đức là vô dụng. Cán bộ phải tính tư lợi sau cùng, phải luôn đặt lợi ích của dân, của nước lên trên để cống hiến. Bởi vậy, người cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng rèn đức luyện tài, gắn bó, đoàn kết, nỗ lực xây dựng tập thể vững mạnh, không để tình trạng tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ diễn ra.
Chia tay Đại tá Hoàng Long Xuyên, tôi nhớ tới những cán bộ lão thành cách mạng mà tôi may mắn được gặp gỡ, trò chuyện và chợt nhận ra một điều: Từ thuở khai sinh lực lượng quân đội nước nhà, người chiến sĩ nào cũng sẵn sàng đi bất cứ đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ gì mà không nề hà, thắc mắc, băn khoăn
Đại tá Hoàng Long Xuyên sinh năm 1917 tại Cao Bằng. Ông đã trải qua nhiều đơn vị công tác trong Quân đội. Năm 1962, ông về công tác tại Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), sau đó làm Giám đốc Công an của toàn Liên khu Việt Bắc. Năm 1986, ông nghỉ hưu. Đại tá Hoàng Long Xuyên đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, huy chương cao quý, ông vinh dự được nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng năm 2019.