Với nội dung, quy mô những vấn đề đặt ra trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng tôi - lớp đảng viên đã qua tuổi “xưa nay hiếm” - tự nhận thấy sự hiểu biết của mình còn nhiều hạn chế. Tuy vậy, là những người luôn đồng hành cùng các nghị quyết của Đảng, vui với những thành công của Đảng, khắc khoải với những khó khăn mà Đảng đang phải đối mặt để vượt qua, chúng tôi coi đây là dịp hiếm có để bày tỏ tâm tư của mình với Đảng.
Trước hết có thể nói, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân. Có được cơ đồ ấy chứa đựng trong mọi nguyên nhân, chúng tôi thấy có ba nội dung rất đáng chú ý:
Thứ nhất, đổi mới đã tạo ra sự cởi mở cho sức sáng tạo vốn dồi dào trong trí tuệ Việt Nam, lại được tiếp sức từ những tiến bộ khoc học kỹ thuật của thời đại; giúp cho sự lãnh đạo của Đảng (lực lượng tinh hoa của trí tuệ Việt Nam) có bước phát triển vượt bậc, vươn lên tầm cao trí tuệ thời đại. Hai là, việc đưa đất nước tham gia sâu rộng vào hội nhập quốc tế là một quyết sách táo bạo và chính xác của Đảng, mặc dù biết rằng “mở cửa thì gió mát vào và ruồi muỗi cũng vào theo” như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã cảnh báo. Ba là, đổi mới đã giúp cho chúng ta khai thác được tốt hơn lợi thế về địa chính trị của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng còn nhiều thiếu sót như dự thảo Báo cáo chính trị đã đề cập. Về nguyên nhân của những thiếu sót, chúng tôi thấy cần nêu cả những nguyên nhân khách quan (vì điều này có ý nghĩa tư tưởng rất lớn). Với 4 nguyên nhân thiếu sót nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị, chúng tôi rất tâm đắc với nguyên nhân thứ 3 và muốn nói thêm là, ở khá nhiều nơi người dân thường phàn nàn về đội ngũ cán bộ “bốn không” ở cơ sở: Không thực tế, không lắng nghe dân, không nghĩ và không làm; chỉ chờ trên bảo sao thì làm đúng như vậy. Ngoài ra, về nguyên nhân thiếu sót cũng cần mạnh dạn chỉ rõ thêm ba ý: Thứ nhất, chúng ta còn nhiều lúng túng trong điều hành việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc các nhiệm kỳ. Thứ hai, ở nhiều cấp, nhiều ngành còn thiếu những người đứng đầu có tài, hoặc người đứng đầu có tài mà không “dĩ công vi thượng”. Thứ ba, còn nhiều tiềm năng về con người, tài nguyên và địa chính trị chưa được khai thác.
Về công tác xây dựng Đảng, chúng tôi hoàn toàn đồng thuận với nội dung của dự thảo Báo cáo. Riêng về giáo dục chính trị tư tưởng, vốn là một trong những nội dung quan trọng nhất trong sự lãnh đạo của Đảng, luôn dành được sự quan tâm đặc biệt trong các kỳ Đại hội Đảng. Từ sự từng trải thực tiễn, chúng tôi nhận thấy: Cái gốc của công tác chính trị tư tưởng là phải làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thấy được cuộc cách mạng do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo có ý nghĩa vô cùng to lớn, vốn chưa từng có tiền lệ ở một đất nước mà đất không rộng, người không đông, lại luôn phải đối mặt với những kẻ thù xâm lược, mưu mô phá hoại của các thế lực phản động. Lịch sử 90 năm lãnh đạo của Đảng ta là lịch sử của những trải nghiệm với nhiều khó khăn, thử thách, thậm chí có lúc mắc sai lầm, mới có được cơ đồ đất nước như ngày nay.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta vẫn phải tiếp tục đối mặt với những vấn đề chưa có tiền lệ như thế. Ví dụ như với mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Có thể nói đây là một sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam. Mặc dù mô hình này mới chỉ là một bức phác thảo hình hài, nhưng nó chứa đựng trong đó những ý tưởng cách mạng và khoa học. Kinh tế thị trường vốn là sản phẩm chung của trí tuệ loài người. Ngoài ưu việt lớn là giải phóng sức lao động, phát triển khoa học kỹ thuật, mở rộng việc khai thác tự nhiên phục vụ con người, nó cũng làm nảy sinh nhiều hệ lụy, như: tôn thờ thái quá đồng tiền, kích thích lòng tham vô độ, nảy sinh chủ nghĩa cá nhân cực đoan, làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống… Rốt cuộc, đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất là số đông người lao động. Mặc dù vậy, muốn đi lên Chủ nghĩa xã hội (CNXH), chúng ta không thể bỏ qua kinh tế thị trường trong sự cố gắng tìm mọi cách để hạn chế dần những hệ lụy của nó.
Với “định hướng XHCN”, ở một góc độ nào đó có thể nói, sự khác nhau lớn nhất của nó với Chủ nghĩa tư bản (CNTB) là sự đối xử với con người. Trong khi CNTB coi số đông người lao động chỉ là một loại công cụ phục vụ lợi ích kếch xù cho số ít các nhà tư sản thì CNXH thì coi con người là chủ thể của xã hội, họ phải được bình đẳng mọi mặt với nhau. Đảng có nhiệm vụ phải làm cho tất cả mọi người “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” như lời Bác Hồ dạy. Đó cũng chính là mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà chúng ta đang theo đuổi. “Định hướng XHCN” là nhắm tới cái đích: Khai thác hết thế mạnh của kinh tế thị trường, tiến tới từng bước hạn chế, đi tới xóa bỏ mặt trái của nó, mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Rồi đây, chân dung bức phác thảo mô hình đó sẽ được hoàn thiện như thế nào, còn phải có thời gian trải nghiệm; với sự chèo lái sáng suốt của Đảng cầm quyền.
Mặt khác, niềm tin của nhân dân với Đảng luôn phụ thuộc vào hai yếu tố: Thứ nhất, nhân dân phải nhận thức được những khó khăn thách thức mà Đảng đang phải đối mặt để vượt qua, và nếu không có sự lãnh đạo của Đảng thì sẽ không thể có cuộc sống tươi đẹp cho tất cả mọi người. Thứ hai, nhân dân phải mắt thấy, tai nghe những điều tốt đẹp và trực tiếp được hưởng thụ thành quả mà cách mạng đem lại. Từ những năm đổi mới, đời sống của người dân ở mọi miền không ngừng được cải thiện theo thời gian, là một thực tế không thể phủ nhận. Kết quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới, dù chưa được mỹ mãn nhưng đã đem lại cho bộ mặt nhiều miền quê trên đất nước, có những thay đổi một trời một vực, khiến lòng dân phơi phới. Những xử lý có hiệu quả của nước ta trong việc kiểm soát và dập dịch COVID-19 khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Những việc làm thiết thực của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm, trong việc hỗ trợ bà con các tỉnh miền Trung đang oằn mình vượt qua lũ lụt, đang làm cho mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, quan hệ giữa con người với con người nổi lên như một dấu son tươi màu…
Trong những ngày này, cả nước ta đang sống chung với những niềm vui, nỗi buồn đan xen lẫn lộn, nhưng dân tộc ta vốn “Gánh nặng đường xa dạ chẳng lay” (thơ Tố Hữu). Vui cũng hướng về Đảng. Buồn cũng hướng về Đảng. Cho dù vẫn còn đó những tiếng nói lạc lõng, sự vô cảm với những thân phận khổ đau, những luận điệu xuyên tạc, nói xấu Đảng, nhưng “bàn tay chẳng che được mặt trời”. Ngay cả trong hoạn nạn, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng vẫn được nhân lên nhiều lần. Lòng dân trước sau vẫn mãi mãi “yêu Đảng như là yêu con” (ý thơ Tố Hữu)…