Đối ngoại nhân dân: Sức mạnh "mềm" trong giai đoạn mới

09:11, 24/11/2020

Dù trong thời kỳ nào, đối ngoại nhân dân cũng là một trong ba trụ cột chính của đối ngoại Việt Nam, phối hợp và bổ sung cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, công tác đối ngoại nhân dân chính là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần củng cố niềm tin của các quốc gia, tổ chức quốc tế đối với Việt Nam và hỗ trợ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tầm quan trọng, vai trò và nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân đã được Bác Hồ và Đảng ta đặt ra rất rõ ràng, đầy đủ, sâu sắc. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định phương châm và định hướng lớn của hoạt động đối ngoại là “Đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. 

Với phương châm “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả” của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh trong nhiệm kỳ 2015-2020, được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự chỉ đạo, giúp đỡ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM), Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác đối ngoại của tỉnh. Liên hiệp đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND, một mặt tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại nhân dân cho cán bộ của các hội và cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân ở các đơn vị trong tỉnh, mặt khác chú ý thu hút sự tham gia của thanh niên, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, các hội đoàn thể và hội nghề nghiệp... tích cực tham gia hoạt động ngoại giao nhân dân.

Trong bối cảnh quốc tế thay đổi rất nhanh và nước ta đã có những bước đổi mới, phát triển vượt bậc cả ở trong nước và quan hệ đối ngoại. Vì vậy, cần đổi mới cách thức, nâng cao nội dung, tính hiệu quả của việc thông tin, tuyên truyền; làm cho thế giới hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam, hiểu đúng đường lối, quan điểm, lập trường, chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam.

Hiện thực hóa chủ trương ấy, một trong những điểm nổi bật của Liên hiệp trong nhiệm kỳ qua, đó là sự chủ động trong việc tăng cường và củng cố quan hệ với các tổ chức quốc tế, thông qua đó, tranh thủ giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước và con người tỉnh Thái Nguyên. Liên hiệp cùng với các Hội Hữu nghị thành viên, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã tiếp đón và làm việc với 85 đoàn, khoảng 2.447 khách quốc tế từ các nước: Campuchia, Lào, Thụy Điển, Nhật Bản, Phần Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Cuba… đến hợp tác, giao lưu hữu nghị, khảo sát thực hiện các chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại và tổ chức các hoạt động cứu trợ nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp cho tỉnh trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, phòng chống thiên tai, vệ sinh môi trường, tín dụng, từ thiện xã hội…

Đồng thời phối hợp với Sở Ngoại vụ tổ chức cho hơn 20 đoàn khám, chữa bệnh của nước ngoài đến hoạt động tình nguyện tại các địa phương khó khăn trong tỉnh, với tổng số lượt khám, chữa bệnh lên tới trên 7.000 người, tổng giá trị thuốc chữa bệnh khoảng trên 4 tỷ đồng. Đón nhiều đoàn sinh viên tình nguyện của các nước thuộc Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc tới giao lưu với thanh niên và hoạt động tình nguyện tại các xã trong tỉnh, đồng thời giao lưu cùng sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Thái Nguyên trao tặng tỉnh Luông Pha  Băng (nước CHDCND Lào) 2 máy thở trị giá 1,5 tỷ đồng (tháng 9-2020).

Cùng với việc tổ chức giao lưu các đoàn sinh viên tình nguyện là các hoạt động như: sơn, sửa các lớp học, trạm y tế, trồng cây xanh cho trường học, dạy ngoại ngữ, võ thuật, hát múa… cho các em học sinh. 5 năm qua, đã có khoảng 40 đoàn sinh viên tình nguyện người nước ngoài vào hoạt động tại địa phương với tổng số kinh phí khoảng trên 15 tỷ đồng. Đồng thời, cử cán bộ tham gia Ủy viên Ủy ban Hòa bình Việt Nam và tham gia các hoạt động giao lưu nhân dân do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức tại Trung Quốc (năm 2017). 

Song song với công tác trao đổi đoàn, Liên hiệp đã chủ động tổ chức các hoạt động lễ tân ngoại giao, gửi thư, điện hoa chúc mừng, tổ chức đoàn thăm Đại sứ quán các nước tại Hà Nội nhân các sự kiện quan trọng như: Nhân dịp năm mới, Quốc khánh, kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các  nước; tổ chức tặng quà nhân dịp năm mới đối với các tổ chức phi chính phủ có hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Công tác hợp tác, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) tiếp tục phát huy hiệu quả, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 50 tổ chức PCPNN được cấp giấy phép hoạt động, trong đó hiện đang có 30 tổ chức có giấy phép hoạt động còn hiệu lực. Số lượng các chương trình, dự án tài trợ tiếp tục được duy trì ổn định và tăng so với cùng kỳ của các năm trước. Các dự án chủ yếu được thực hiện tại các xã nghèo, địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh. Tài trợ của các tổ chức PCPNN đã góp phần rất tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo của địa phương. Qua đó, giá trị giải ngân trong năm 2015 đạt 2.860.799 USD; năm 2016 đạt 1.876.996 USD; năm 2017 đạt 2.117.024 USD; năm 2018, đạt 2.243.824 USD; năm 2019 đạt 5.657.507 USD…

Một trong những yếu tố không thể thiếu để hoạt động đối ngoại nhân dân có hiệu quả là con người, xây dựng tổ chức hội thành viên vững mạnh. Trong bối cảnh đối tác quan hệ và vận động quốc tế hiện nay rất rộng rãi, đa dạng và đa phương. Để đáp ứng điều này, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đã phát triển được 5 hội thành viên: Hội Hữu nghị Việt - Lào, Hội Hữu nghị Việt - Hàn, Hội Hữu nghị Việt - Campuchia, Hội Hữu nghị Việt - Nga, Hội Hữu nghị Việt - Đức. Tranh thủ mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước và quan hệ giữa tỉnh Thái Nguyên với các địa phương của các nước, các hội thành viên đã tích cực, chủ động triển khai nhiều hoạt động kết nối, tăng cường giao lưu giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân của tỉnh Thái Nguyên với nhiều địa phương của các nước bạn… 

Nhìn lại một nhiệm kỳ hoạt động có thể thấy, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội III nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, khẳng định được vị trí, vai trò trong công tác đối ngoại nhân dân, đóng góp tích cực vào công tác đối ngoại chung của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Trong quá trình hội nhập, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao hình ảnh của tỉnh Thái Nguyên nhằm thu hút đầu tư và du lịch; thực hiện thành công các đề án lớn, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh chính trị của tỉnh... Đây cũng chính là mục tiêu và phương hướng, nhiệm vụ công tác được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh xác định trong nhiệm kỳ tới.