Trong mỗi kỳ Đại hội Đảng, các cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân luôn đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ để đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn. Đáp ứng kỳ vọng đó, dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, khoa học, với nội dung toàn diện, sâu sắc và có nhiều điểm mới.
Một trong những điểm mới rất đáng chú ý của dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là cách tiếp cận, xác định các mục tiêu phát triển của đất nước. Cụ thể là: Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việc xác định mục tiêu như trên theo cách tiếp cận mới: Trình độ phát triển, trình độ công nghiệp và thu nhập phù hợp với cách tiếp cận của thế giới. Dự kiến, đến 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 4.700-5.000USD. Như vậy, đến 2025, nước ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Dự kiến đến năm 2030, GDP bình quân đầu người khoảng 7.500USD (mức thu nhập trung bình cao). Và đến năm 2045 có mức thu nhập cao là hoàn toàn khả thi.
Nội dung dự thảo Báo cáo chính trị xác định, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Trong đó xác định phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tập trung phát triển mạnh một số ngành dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, logistics, dịch vụ kỹ thuật… Trên cơ sở quan điểm này, tôi cho rằng trong dự thảo các văn kiện cần nhấn mạnh hơn nữa vai trò của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông đối với động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội. Trong đó đặc biệt quan tâm Chuyển đổi số quốc gia nhằm giải quyết thách thức, tận dụng tối đa cơ hội, khai thác lợi thế đặc thù của Việt Nam để đi nhanh và đi đầu, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn lực, huy động sức mạnh toàn dân trong thực hiện chuyển đổi số, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, thay đổi thứ hạng quốc gia trên thế giới. Thực hiện tốt Chuyển đổi số quốc gia là chúng ta đạt được mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; phát triển kinh tế số nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Chúng ta không còn đứng trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên thông tin nữa, mà đã đang ở trong kỷ nguyên đó. Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ sự phát triển kinh tế tri thức, xây dựng xã hội tri thức chẳng những là đòi hỏi có tính quy luật, mà còn là động lực đưa đất nước tiến kịp các cường quốc trong khu vực và trên thế giới.
Theo tôi, trong phần mục tiêu và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 10 năm cần quán triệt sâu sắc quan điểm “khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu”, “là động lực then chốt” và phải được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách cụ thể đối với sự phát triển của đất nước, nhất là đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc. Trên cơ sở đó tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu, thúc đẩy phát triển kinh tế số; quan tâm và tiếp tục tăng cường đầu tư, đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động mạnh mẽ các nguồn lực từ xã hội, nhất là từ các doanh nghiệp để đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao...