Sáng 8-1, đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và ông Yamada Takio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã đồng chủ trì hội nghị trực tuyến với điểm cầu tại Nhật Bản và các tỉnh, thành phố trong cả nước chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Đây là Hội thảo lần thứ 3 giữa Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển chính phủ điện tử. Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh...
Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc như: Gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước, xây dựng Cổng dịch vụ công Quốc gia cung cấp 2.700 dịch vụ công trực tuyến, xây dựng hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…, qua đó đã thay đổi lề lối làm việc trong cơ quan Nhà nước, chuyển từ phương thức xử lý văn bản giấy sang văn bản điện tử. Hiện tại,100% các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã kiện toàn được bộ phận một cửa, 59/63 địa phương có trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao, giúp tiết kiệm chi phí, công khai minh bạch thông tin đến cho người dân, hỗ trợ việc giám sát thực hiện các thủ tục hành chính.
Tại Hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ về tầm nhìn hướng tới sự hình thành xã hội số ở Nhật Bản, những nguyên tắc định hướng lớn để hình thành xã hội số tại Nhật Bản, quan điểm về việc thành lập Cục Kỹ thuật số, những khuyến nghị chính sách trong xây dựng chính phủ điện tử, chi tiết về công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định phát triển chính phủ điện tử là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới và là dư địa để phát triển kinh tế, nền tảng cơ bản để thực hiện khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam với quan điểm xuyên suốt là xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử.