Trong các bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng từ “nêu gương”, “làm gương” với tần suất lớn. Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Bác chủ trương: “Lấy gương người tốt việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Thực hiện lời Bác dạy, sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trên địa bàn tỉnh đã trở thành việc làm thường xuyên, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến mọi hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Sau nhiều năm trở lại xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai), chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay ở nơi đây. Nếu như trước đây đời sống của bà con chỉ trông vào những nương ngô và lên rừng đào măng, bắt thú thì nay đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi gia súc lớn. Nhiều hộ đã “hạ sơn” lập nghiệp thoát nghèo. Góp sức để bản làng no ấm, yên vui ấy có công lớn của Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Tài.
Tìm vào nhà bí thư Hoàng Văn Tài dễ lắm - cái nhà sàn vừa to vừa đẹp ngay mặt đường nhựa trên đường vào xã Thượng Nung thôi nhà báo. Đúng như lời chỉ dẫn của bà con, điều tôi ngạc nhiên nhất khi đến nhà Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Tài là trâu bò không còn buộc dưới chân nhà sàn mất vệ sinh như trước mà đã xây dựng chuồng trại kiên cố để nhốt. Ngồi bên bếp lửa hồng những ngày đầu đông anh Tài mộc mạc bảo: Là đảng viên, cái gì khó, cái gì mới mình đều phải làm trước. Mình cố gắng làm thành công bà con sẽ tin, sẽ nghe và làm theo. Bà con người Mông Mỏ Chì di cư từ Hòa An, Cao Bằng về đây năm 1992. Nhà được dựng trên các sườn núi, rất ít ruộng canh tác. Phần lớn các hộ chỉ đủ ăn trong vòng 5 đến 6 tháng/năm.
Đến mùa xuân lên rừng đào măng bán để đong gạo, mua ngô. Muốn thoát nghèo chỉ có “hạ sơn” mới có điều kiện để phát triển kinh tế. Nghĩ là làm, anh dồn toàn bộ số tiền tích lũy mua đất chuyển gia đình xuống vùng đất thấp dựng nhà. Anh mạnh dạn vay vốn Đề án 2037 đầu tư trồng cỏ mua trâu, bò về vỗ béo rồi bán. Cuộc sống của gia đình anh nhờ thế mà thoát nghèo. Thực tế gia đình anh Tài đã chứng minh cho người dân Mông ở Mỏ Chì thấy quyết định của Bí thư Chi bộ là hoàn toàn đúng đắn. Ở dưới núi, việc canh tác không mất quá nhiều công sức, điều kiện nước tưới, giao thông đi lại thuận tiện hơn. Vì thế sản phẩm bà con làm ra giá bán cũng cao hơn. Cùng với phong trào “hạ sơn”, bà con bản Mông đã mạnh dạn vay các nguồn vốn ưu đãi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư chăn nuôi trâu bò, trồng ngô lai… Hiện, xóm Mỏ Chì có gần 300 con trâu, bò. Nếu như năm 2015, 100% số hộ của xóm thuộc diện hộ nghèo thì nay số hộ nghèo đã giảm hơn một nửa. Kinh tế phát triển bà con đóng góp tiền, hiến đất làm nhà văn hóa, đường bê tông… tạo cho xóm một diện mạo mới.
Cán bộ Hội LHPN tỉnh nuôi lợn tiết kiệm để ủng hộ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Nếu anh Hoàng Văn Tài là tấm gương sáng đối với đồng bào Mông về phát triển kinh tế thì anh Nguyễn Văn Học, Phó Trưởng phòng Hành chính - Cơ yếu - Công nghệ thông tin Văn phòng Tỉnh ủy là điển hình trong thực hành tiết kiệm. Những năm qua, anh Học luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, thực hành tiết kiệm thời gian, tiền bạc, của bản thân cũng như tập thể. Trong công việc anh luôn chấp hành nghiêm kỷ luật lao động; tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm của cơ quan. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh chia sẻ: Những thứ chúng ta tưởng là nhỏ như giấy in, văn phòng phẩm khác hay việc tắt điện mỗi khi ra khỏi phòng… nhưng mỗi người đều có ý thức tiết kiệm thì sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho cả một tập thể.
Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, các cấp ủy đã đưa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và chương trình công tác hàng năm. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của mỗi đảng viên, góp phần củng cố, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng. Cùng với đó, các cấp ủy đã quan tâm chỉ đạo phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong triển khai học tập và làm theo Bác. Nhiều địa phương tổ chức hội nghị nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị nhằm giáo dục đạo đức cách mạng, đổi mới phong cách, lề lối làm việc cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở.
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo. Đã tổ chức nhiều phong trào thi đua thiết thực như: Cán bộ, công chức, viên chức tích cực đổi mới tác phong, lề lối làm việc; phong trào “Hiến đất, tài sản trên đất làm đường giao thông nông thôn” ở T.X Phổ Yên, huyện Định Hóa; phong trào “Phú Bình chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” của các cấp; “Mỗi ngày làm một việc tốt” trong học sinh, sinh viên…
Sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, thông qua việc nghiên cứu các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hàng năm đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong cả nhận thức và hành động ở mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng ở các cấp. Điều này cho thấy việc học tập và làm theo Bác đã lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó, thể hiện rõ nét nhất là nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục được nâng lên, việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, tự nguyện, tự giác trong cuộc sống hằng ngày.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 2 cá nhân là ông Nguyễn Văn Thời, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và ông Đinh Văn Quyền, hội viên Chi hội Nông dân xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương).