Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) 138 Chính phủ và Trưởng BCĐ 389 Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 138 và 389 của tỉnh chủ trì tại điểm cầu Thái Nguyên (ảnh).
Theo báo cáo của BCĐ 138 Chính phủ: Công tác phòng, chống tội phạm năm 2020 cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tội phạm về trật tự xã hội giảm 6,8%. Tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án đạt 83,5%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,13%. Triệt phá 1.860 băng, nhóm tội phạm các loại. Đặc biệt, đã làm tốt công tác điều tra tội phạm về tham nhũng, nhất là việc phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư công, đưa ra xét xử khách quan, nghiêm minh nhiều vụ án lớn được dư luận đồng tình, đánh giá cao, qua đó củng cố niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên, tính chất các vụ án vẫn nghiêm trọng, với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, hình thức phạm tội mới, sử dụng công nghệ cao…
Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 185.500 vụ việc vi phạm (giảm hơn 16% so với năm 2019); thu nộp ngân sách nhà nước trên 24,8 nghìn tỷ đồng (tăng gần 15,4%); khởi tố 2.543 vụ và hơn 3.500 đối tượng... Đặc biệt, trong năm 2020, các lực lượng đã tập trung làm tốt công tác ổn định thị trường, chống sản xuất, kinh doanh các mặt hàng y tế giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ và các địa phương…
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành thành viên 2 BCĐ và các địa phương tham luận, trao đổi về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và phòng, chống tội phạm, kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng tình hình an ninh trật tự và buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ở nhiều địa phương vẫn diễn biến phức tạp, do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Trong đó có sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một số cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ. Vì thế, trong năm 2021- năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, cũng là năm đầu thực hiện chiến lược phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2015…, các ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, nhất là vai trò người đứng đầu để làm tốt việc phòng chống và đấu tranh với các loại tội phạm; kiên quyết xử lý và đưa ra khỏi ngành những trường hợp vi phạm; tăng cường công tác thanh, kiểm tra cũng như tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến với cả cán bộ và nhân dân; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng lưu ý: Hiện, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nên việc xử lý các hành vi vi phạm cần phải tôn trọng và tuân thủ đúng theo các cam kết đã ký kết…