Những thành tựu nổi bật của đất nước sau 35 năm đổi mới

06:00, 23/01/2021

Hơn 35 năm qua, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; ghi cột mốc và đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc, về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Chưa bao giờ đất nước ta có cơ ngơi, tiền đồ, uy tín và vị thế to lớn, rất trân trọng, đáng tự hào như ngày nay

Tạo dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững

Với bản lĩnh và trí tuệ của mình, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tìm tòi, sáng tạo và xây đắp nên nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - một kỳ tích vĩ đại chưa từng có tiền lệ trong lịch sử cách mạng và dân tộc Việt Nam; mở ra thời kỳ mới, thời kỳ hình thành, phát triển nền CNH, HĐH đất nước; đưa một dân tộc “đất không rộng, người không đông, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất nhỏ, manh mún” tiến lên chủ nghĩa xã hội không qua chế độ tư bản chủ nghĩa: xây dựng một đất nước hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Dấu mốc vàng son đánh dấu sự chuyển mình khởi sắc, kết tinh bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn Việt Nam là sự vững tin bước vào thời kỳ đổi mới theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng: “đổi mới để phát triển”, nhân dân ta đã thành công từ “khoán 100” đến “khoán 10”  trong nông nghiệp; đã thực hiện tốt 3 chương trình kinh tế lớn: đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Nhờ đó, đã tạo ra bước nhảy thần kỳ, vô cùng ngoạn mục: từ một nước nông nghiệp, trồng lúa nước là chủ yếu với hơn 90% nông dân nhưng quanh năm bị nạn đói kinh niên hoành hành, hằng năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực để cứu đói cho nhân dân.

Năm 1989, khi Liên Xô lâm vào tổng khủng hoảng kinh tế - xã hội và thoái trào, nguồn viện trợ cho đất nước ta không còn; Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã gặp vô vàn khó khăn, thách thức, có lúc tưởng chừng không qua được. Thế nhưng, đúng vào thời điểm nước ta không còn nhận được nguồn viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em thì nhân dân ta lại xuất khẩu hơn 1, 2 triệu tấn lương thực, ghi dấu mốc kỳ vĩ vào lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ đây, chúng ta không còn phải “ăn đong ăn vay, nạn đói kinh niên được chấm dứt”. Nhân dân ta ngẩng cao đầu, thật sự “ấm lòng mát dạ”, vững tin, thêm yêu Đảng, chung sức đồng lòng tiếp tục tạo nên những bước tiến thần kỳ trong những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và VII của Đảng. Vậy là, nhờ vào chủ trương, đường lối đúng đắn, tài tình, sáng suốt của Đảng, chỉ sau 10 năm đi theo đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” để bước qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội, thoát ra khỏi tình trạng lạm phát trên 3 con số (774, 7% năm 1986) để bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Bước khởi đầu ấy đã tạo đà cho nhân dân tạo tạo ra những bước nhảy thần kỳ, liên tiếp giành được những thành tựu mới trong nền kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, quốc phòng, an ninh, v.v..

Một góc trung tâm T.P Thái Nguyên hôm nay. Ảnh: Khắc Thiện.

Nhìn lại 35 năm qua, Đảng lãnh đạo nhân dân ta đổi mới đất nước, chúng ta đã bứt phá ngoạn mục, làm nên hình hài bộ mặt, sức sống mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam hôm nay. Từ khốn khó đi lên với bao nhiêu thử thách nhưng suốt chiều dài của thời kỳ đổi mới, 35 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta luôn được duy trì ở mức cao. Nền kinh tế nhiều thành phần hình thành với bao lực cản, đã từng bước phát triển, mọi bế tắc được khơi thông. Vì vậy, các thành phần kinh tế đều có đóng góp tích cực, đáng trân trọng vào sự phát triển đất nước. Dấu ấn sâu sắc, phản ánh tư duy kinh tế của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không ngừng phát triển, vươn tầm thời đại là tạo mọi điều kiện để nền kinh tế Việt Nam khởi sắc, đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế. Nhờ đó, cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tư nhân được nhận thức lại, Đảng đã “cởi trói”, khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, tạo nhiều việc làm cho người lao động, từng bước thể hiện rõ vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Niềm tin và sức sống của một dân tộc tăng lên không ngừng khi tốc độ tăng trưởng GDP khá cao, bình quân trong 35 năm là 6,80%. Theo đó, quy mô GDP, GDP bình quân đầu người cũng tăng lên rất đáng tự hào. Các ngành, lĩnh vực kinh tế đều có bước phát triển tích cực. Chúng ta đã xây dựng thành công bước đầu một số ngành công nghiệp mũi nhọn, có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế. Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp với sự phong phú, đa dạng về các sản phẩm chất lượng cao, xuất khẩu sang nhiều “thị trường khó tính” trên thế giới. Cùng với đó, chúng ta luôn có tư duy đổi mới, chủ động, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để có chất lượng, hiệu quả cao; liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu nâng, lâm, thủy sản tăng lên, thị trường được mở rộng. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân ngày càng khởi sắc, phát triển, làng quê Việt Nam đang khoác lên mình bộ áo mới, đầy sức sống, tràn đầy niềm vui. Theo đó, dịch vụ và du lịch cũng phát triển nhanh. Bộ mặt đất nước từng ngày thay da đổi thịt. Một số đô thị lớn như Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh được dầu tư mở rộng, hiện đại. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 35,7% (năm 2015) lên gần 40% (năm 2020). Tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã thu hút được gần 34.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đã đăng ký hơn 454 tỷ USD. Đây là một tín hiệu vô cùng phấn khởi, bước tạo đà rất quan trọng để nhân dân ta tiếp tục tạo nên thành tự mới trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Dây chuyền sản xuất các thiết bị điện tử, điện thoại thông minh và máy tính bảng tại Nhà máy Samsung SEVT (Khu Công nghiệp Yên Bình, T.X Phổ Yên). Ảnh: Tư liệu

Giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ đạt nhiều thành tựu quan trọng

Quan điểm của Đảng ta về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển đất nước từng bước được thực hiện hóa trên khắp mọi miềm đất nước. Tin vui đáng mừng là hệ thống giáo dục và đào tạo phát triển nhanh, rộng khắp cả nước với cơ sở vật chất ngày càng được quan tâm đầu tư, xây dựng ngày càng khang trang, “trường đã ra trường, lớp đã ra lớp”. Hằng năm, ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo đạt 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Chúng ta đã thực hiện tốt sự ưu tiên đầu tư cho vùng khó khăn, các đối tượng chính sách và đào tạo chất lượng cao. Hợp tác giáo dục và đào tạo ngày càng được mở rộng. Đến năm 2020, các trường đại học Việt Nam đã có hơn 500 chương trình liên kết đào tạo quốc tế với các trường đại học danh tiếng trên thế giới.

Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ ngày càng được đổi mới, nhận thức của xã hội, của doanh nghiệp về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế, phát triển đất nước được nâng lên không ngừng. Điều đó khẳng định rõ vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2011 đến nay, đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt công nghệ thông tin và truyền thông phát triển nhanh, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Trước yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của Việt Nam đã và đang có bước phát triển vượt bậc. Hiện nay, nước ta có khoảng 170 nghìn cán bộ khoa học và công nghệ tham gia vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, làm việc trong các tổ chức khoa học và công nghệ của Nhà nước (chiếm khoảng 84,1%). Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ ngày càng mở rộng. Đến năm 2020, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác về khoa học và công nghệ với hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ; là thành viên của hơn 100 tổ chức quốc tế và khu vực về khoa học và công nghệ.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người được coi trọng

Nhận thức về vị trí, vai trò của con người và văn hóa ngày càng được nâng lên. Các lĩnh vực, loại hình và sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, đã và đang phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của nhân dân. Các hoạt động văn hóa, tinh thần được quan tâm và tổ chức sôi nổi, rộng khắp, có nhiều tiến bộ. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên, thông tin đại chúng có bước phát triển mạnh mẽ, đa dạng, công nghệ ngày càng cao, hiện đại. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn xác định con người là nguồn lực phát triển hàng đầu, quan trọng nhất và là mục tiêu của phát triển kinh tế - xã hội; tất cả đều do con người, vì con người. Vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chăm lo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bộ đội và nhân dân. Đến nay, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng lên 73,7 tuổi (năm 2020). Điều đó khẳng định đời sống của nhân dân đã được cải thiện và nâng lên; đáng mừng là 10 năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm nhanh, còn dưới 4% (năm 2020) theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều.

Quốc phòng, an ninh được giữ vững

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường; song dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tư duy mới của Đảng ta về quân sự, quốc phòng ngày càng phát triển. Sau nhiều năm nghiên cứu, trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả: Chiến lược quân sự, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ quốc gia trên không gian mạng, v.v.. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, phát hiện, có phương án, đối sách hợp lý, hiệu quả để ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Việc kết hợp giữa củng cố quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội trong các chiến lược, kế hoạch, các ngành, lĩnh vực ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Công nghiệp quốc phòng, an ninh được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặc biệt quan tâm phát triển theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, góp phần trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện quân sự cho lực lượng vũ trang; giảm bớt phần chi ngân sách nhà nước cho quốc phòng, an ninh để dành ngân sách cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế được Đảng ta xác định là trọng tâm, được triển khai thực hiện chủ động, tích cực, hiệu quả. Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân đều có bước phát triển mới, triển khai đồng bộ cả song phương và đa phương nên chúng ta đã ký kết và triển khai thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố

Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đến nay, hệ thống các chính sách dân tộc, tôn giáo và người có công với cách mạng, người nghèo được Đảng, Nhà nước ta ban hành và thực hiện hiệu quả. Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện không ngừng. Chúng ta luôn chủ động, tích cực xây dựng cơ sở chính trị - xã hội ngày càng vững chắc; quyền làm chủ của người dân được thực hiện ngày càng tốt hơn; quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được thực hiện theo Hiên pháp và pháp luật. Cùng với hệ thống, hoạt động của Quốc hội, của Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục được đổi mới, tăng cường, dân chủ, chất lượng. Công tác cải cách hành chính được quan tâm và ngày càng tiến bộ. Bộ máy chính quyền các cấp được sắp xếp lại tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu quả hơn.

Công tác Xây dựng, chỉnh đốn Đảng đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân

Dấu ấn sâu đậm nhất, để lại nhiều ấn sâu sắc nhất trong lòng dân về nhiệm kỳ Đại hội XII và 35 năm đổi mới là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được toàn Đảng, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm, coi trọng, thực hiện toàn diện, đồng bộ trên tất cả các mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đến nay, Đảng ta với nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị đã tiến hành công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng với quyết tâm chính trị rất cao. Trong đó, Đảng đã xác định công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Vì vậy, trong nhiệm kỳ Đại hội XI, XII, công tác cán bộ được đổi mới mạnh mẽ, đạt được thành tựu, kết quả bước đầu rất quan trọng, đáng khích lệ, nhất là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu với nhiều quyết sách kiên quyết, kiên trì, triệt để, hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận. Vì vậy, đến nay nạn tham nhũng, lãng phí “giặc nội xâm” bước đầu được kiềm chế, đang góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đã góp phần khôi phục và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Đảng đã làm tất cả vì dân vì nước, tạo ra nhiều thời cơ, vận hội lớn để phát triển đất nước với những quyết sách mới đưa sự nghiệp đổi mới, xây dưng và bảo vệ Tổ quốc trong 5, 10 năm tới với tầm nhìn đến năm 2045 chắc chắn sẽ có nhiều thành công mới.