Cách đây tròn 75 năm, ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội đã diễn ra trên phạm vi cả nước. Trải qua các thời kỳ cách mạng, các thế hệ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) luôn thể hiện và phát huy tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Ngày 3/9/1945 - chỉ một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời - trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước ta đã diễn ra trên phạm vi cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cũng đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lòng yêu nước và ý thức chính trị của nhân dân ta trong những thời gian đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa...
Trải qua các thời kỳ cách mạng, các thế hệ ĐBQH luôn thể hiện và phát huy tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân; nhiều đại biểu đã chiến đấu anh dũng, hy sinh, cống hiến, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Riêng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, hoạt động của Quốc hội đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc. Nhiều đạo luật mới được ban hành, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện tổ chức bộ máy Nhà nước theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc thảo luận, tham gia góp ý cho luật cũng được cải tiến đổi mới dưới nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, đảm bảo công khai, dân chủ, nhiều phiên thảo luận các dự án luật được phát thanh, truyền hình trực tiếp để người dân cùng theo dõi, góp ý.
Cùng với những bước tiến trong hoạt động lập pháp, hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Nhiều vấn đề nóng, bức xúc trong dư luận được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát hoặc thông qua các phiên giải trình để làm rõ trách nhiệm cũng như tìm những biện pháp để tháo gỡ. Đặc biệt hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được cải tiến và đổi mới rõ rệt, đáp ứng kỳ vọng của người dân. Quốc hội đã chuyển dần từ một Quốc hội tham luận, sang một Quốc hội thảo luận và tranh luận.
Việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước được Quốc hội thực hiện kỹ lưỡng, bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo ra những tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nổi bật như: Quyết định thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025…
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã phát huy vai trò là kênh đối ngoại quan trọng của Nhà nước, mang tính nhân dân sâu sắc, đóng góp quan trọng vào thành công chung trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng bảo vệ và phát triển đất nước, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, nhiệm kỳ này đánh dấu bước tiến vượt bậc của Quốc hội trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội. Lần đầu tiên, phần mềm hỗ trợ hoạt động của ĐBQH trên các thiết bị thông minh được đưa vào sử dụng với nhiều tính năng thông minh. Bên cạnh đó, Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức kỳ họp Quốc hội để thích nghi trong mọi hoàn cảnh. Điển hình nhất là tại kỳ họp thứ 9, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, cơ quan lập pháp họp phiên toàn thể đại biểu dưới hình thức trực tuyến. Việc tổ chức thành công các kỳ họp theo phương thức này đã được cử tri cả nước đánh giá cao vì đã giải quyết tình thế linh hoạt thích ứng với dịch bệnh mà vẫn đảm bảo được chất lượng cũng như thành công về mặt nội dung và đổi mới tối giản về phương pháp thực hiện.
Đối với Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên (tỉnh Bắc Thái năm xưa), trải qua 14 khóa đã có 110 đại biểu, trong đó có nhiều đại biểu giữ những vị trí quan trọng của đất nước và các cơ quan Trung ương, tiêu biểu là: Đồng chí Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân Việt Nam; đồng chí Nguyễn Khánh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cùng rất nhiều đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Trên những cương vị được phân công đảm trách, các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh qua các thời kỳ luôn phát huy năng lực và tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, có nhiều đóng góp hiệu quả trong công tác lập pháp, công tác giám sát và tham gia quyết định những vấn đề lớn của đất nước và địa phương. Hoạt động của Đoàn đã góp phần vào sự đổi mới các hoạt động Quốc hội. Bên cạnh đó, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh luôn nhận được sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy và sự hợp tác tích cực, tạo điều kiện của HĐND, UBND, MTTQ tỉnh cùng các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội của tỉnh…
Kỷ niệm 75 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Việt Nam - là dịp để chúng ta ôn lại, tự hào về một chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, hiểu rõ hơn về những thành tựu trong hoạt động của Quốc hội. Cùng với đó, rút ra những bài học kinh nghiệm mà Quốc hội đã đạt được, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
NGUYỄN THANH HẢI, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh