“Đối thoại 2045” bắt đầu được tổ chức từ năm nay và sẽ được tổ chức thường niên để nghe các “tinh hoa” hiến kế, trong đó có doanh nhân, trí thức, nhằm đưa đất nước phát triển, đạt các mục tiêu 2045.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng và khoảng 50 doanh nhân, trí thức đại diện cho các doanh nhân, trí thức cả nước với chủ đề “Đối thoại 2045” đang diễn ra chiều nay, 6-3, tại Hội trường Thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng dự buổi đối thoại có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; cùng lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Khai mạc buổi đối thoại, khẳng định vai trò lịch sử của doanh nhân và trí thức đối đóng góp vào sự phát triển đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chính phủ có ý tưởng tổ chức cuộc đối thoại 2045 nhằm mục tiêu lắng nghe ý kiến từ giới tinh hoa, đặc biệt là các trí thức và doanh nhân, về chiến lược phát triển, những sách lược, những khát vọng để thực hiện mục tiêu đã nêu ra. Không chỉ nêu tình hình, Chính phủ muốn lắng nghe những giải pháp phát triển, những hiến kế để phát triển đất nước trong bối cảnh mới toàn cầu và Việt Nam hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự “Đối thoại 2045”. (Ảnh: Hà Khánh)
Thủ tướng nhắc lại thành tựu sau gần 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là thời gian gần đây. Quy mô nền kinh tế nước ta từ thứ 55 thế giới đã lên thứ 40 hiện nay. Đời sống nhân dân được nâng lên, tuổi thọ người dân nước ta đã tăng và sánh cùng các nước tiên tiến như Nhật Bản, Singapore. Các vấn đề văn hóa, xã hội được quan tâm…
Trong thành công chung đó, Thủ tướng nhắc đến sự phát triển mạnh mẽ của các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân, những thành công mà cách đây 25 năm ít ai hình dung được, góp phần nâng cao vị thế kinh tế của đất nước ở khu vực và thế giới.
Để hướng tới mục tiêu 2045 nước ta là nước phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một số thách thức cần vượt qua và mong muốn doanh nghiệp, trí thức hiến kế. Trong đó thu nhập bình quân đầu người của nước ta vẫn thuộc nhóm trung bình thấp. Các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm chưa vững chắc. Quy mô kinh tế tăng lên nhưng GDP bình quân đầu người hay tổng quy mô nền kinh tế còn nhỏ so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa diễn ra chậm, năng lực cạnh tranh của ngành và quốc gia chỉ ở mức trung bình thế giới. Các nút thắt phát triển chưa được giải quyết cơ bản, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt, năng suất lao động chậm phát triển. Những vấn đề lớn như quản trị quốc gia, quản trị các thành phố lớn nhiều bất cập. Một số thách thức ngày càng lớn hơn như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số… đang diễn ra nhanh, thậm chí rất nhanh.
Nhắc đến 2 di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Tổ quốc sẽ thống nhất hai miền Nam Bắc để dân tộc Việt Nam và Việt Nam trở nên vẻ vang, sánh vai với các cường quốc năm châu, Thủ tướng cho biết lý do chọn Hội trường Thống nhất lịch sử này để tổ chứ “Đối thoại 2045”, bởi tại nơi đây đã chứng kiến giây phút đất nước thống nhất, dân tộc Việt Nam là một. Và thời điểm 2045 cũng chính là mốc tròn 70 năm di nguyện lớn nhất của Bác trở thành hiện thực.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta có niềm tin vững chắc rằng di nguyện lớn thứ hai của Bác về một Việt Nam vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu cũng sẽ trở thành hiện thực. Mục tiêu to lớn, xuyên suốt của chúng ta là xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Muốn dân giàu, nước mạnh, chúng ta phải chú trọng phát triển quốc kế dân sinh.
Muốn vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu, đặc biệt có nguồn nhân lực xuất sắc để đảm đang những công việc lớn của đất nước. Để hiện thực hóa ý định này, chúng ta cần giải phóng mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong khoảng 100 triệu dân người Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta phải biết thu hút, đón nhận và phát huy những nguồn lực quốc tế từ hội nhập toàn cầu hóa, từ đầu tư trực tiếp, gián tiếp đến nguồn lực về công nghệ, về tri thức, về đổi mới sáng tạo. Niềm tin là chất xúc tác lớn nhất cho mọi quyết tâm cũng như mọi mục tiêu phải đạt tới. Phải có niềm tin mạnh mẽ hơn vào tương lai tươi sáng của dân tộc ta."
Một số đại biểu nước ngoài dự "Đối thoại 2045"
Thủ tướng cũng nhắc lại Bác Hồ đã từng nói “mỗi người tin ở sức mạnh của dân tộc, tin ở sức chịu đựng của mình, kiên quyết vượt mọi khó khăn thì tương lai mới vẻ vang” và bày tỏ: "Chính phủ và bản thân tôi mong mỏi tất cả chúng ta, từ cán bộ đảng viên đến người dân, doanh nghiệp, đến những tri thức đều thấm nhuần điều này và có tinh thần như đầu nhiệm kỳ tôi đã báo cáo, chúng ta phải tự cứu mình trước khi trời cứu”. Đó cũng chính là tinh thần tuyệt vời của chúng ta trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã khởi xướng chương trình “Đối thoại 2045”, sáng kiến này sẽ góp phần vun đắp niềm tin, sự chung sức, đồng lòng thông qua đối thoại, lắng nghe để cùng nhau hành động, cùng nhau hiện thực hóa di nguyện của Bác về một Việt Nam hùng cường, vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu vào năm 2045 như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu."
Thủ tướng cũng nêu rõ, “Đối thoại 2045” sẽ được tổ chức định kỳ, trực tiếp và cả trực tuyến, bao gồm nhiều chủ đề từ kinh tế xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, kể cả an ninh quốc phòng. Tất cả những chủ đề, nội dung có liên quan và có tính ảnh hưởng đến tầm nhìn về một Việt Nam vẻ vang, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu đều sẽ hiện diện trong các “Đối thoại 2045”.