Đó là chủ đề chương trình trưng bày chuyên đề và tọa đàm do Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức vào chiều 20-4, tại Hà Nội. Tham dự có các nhà báo lão thành, nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia làm báo trong kháng chiến chống Pháp và làm báo tại các chiến khu; đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và các tỉnh vùng Việt Bắc.
Trưng bày chuyên đề và tọa đàm “Báo chí Việt Nam 1946-1954: Từ Thủ đô Hà Nội đến Chiến khu Việt Bắc” được nghiên cứu và khai thác, tái dựng với tính chất gợi mở về một giai đoạn lịch sử gắn liền với một số hoạt động và sự kiện báo chí tiêu biểu, gắn liền với Thủ đô Hà Nội năm 1946 đầy bão tố, thù trong giặc ngoài, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và cuộc kháng chiến “9 năm làm một Điện Biên”. Trong đó báo chí cách mạng thực sự đã có một bước trưởng thành và lớn mạnh vượt bậc ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc, trên cơ sở những tư liệu, hiện vật là di sản báo chí vô giá gây dựng và để lại từ lao động sáng tạo và sự cống hiến, hy sinh của cả một thế hệ nhà báo - chiến sĩ.
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tặng hoa tri ân các nhà báo lão thành.
Từ 1947, Việt Bắc trở thành Thủ đô kháng chiến, nơi quy tụ các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước ta, cũng là cái nôi của báo chí cách mạng thời kỳ này. Tại đây, nhiều cơ quan báo chí lớn từ Hà Nội đã di chuyển trụ sở lên, một số cơ quan báo chí lớn và nhiều báo chí khác chính thức ra đời, như: Hội Nhà báo Việt Nam ra đời; Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - Cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và duy nhất được thành lập…
Tại Chương trình, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật về báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ 1945-1954 và báo vùng chiến khu Việt Bắc. Trong phần tọa đàm, các nhà báo lão thành, nhân chứng lịch sử đã chia sẻ, kể về những kỷ niệm đặc biệt về thời kỳ làm báo trong giai đoạn kháng chiến đầy gian khổ, như: Kỷ niệm về làm Báo Cứu quốc, làm báo Tết ở Liên khu V, làm báo chiến trường và tại mặt trận Điện Biên Phủ; làm báo thông tấn thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp và đọc báo xuất bản từ Việt Bắc; các nhà văn đã tham gia đóng góp vào báo chí kháng chiến; ảnh báo chí trong kháng chiến chống Pháp...
Đây là một trong những hoạt động đặc biệt kỷ niệm 75 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên (1946-2021) và Báo Quốc Hội; 72 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/1949-4/2021); 71 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (4/1950-4/2021) và 70 năm Báo Nhân Dân xuất bản số đầu (3/1951-3/2021) và hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam Lần thứ XI.