Cùng cả nước vang khúc khải hoàn

06:41, 30/04/2021

Cùng với các tỉnh ở miền Bắc, quân và dân Thái Nguyên tự hào vì đã đóng góp một phần sức người, sức của vì miền Nam ruột thịt để ngày 30/4/1975, Tổ quốc vang khúc ca khải hoàn, non sông thu về một mối, đưa đất nước bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc, hoà bình lập lại trên miền Bắc, nhân dân Thái Nguyên bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Những năm đầu cải tạo XHCN và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh đã tập trung chỉ đạo, xây dựng các giải pháp ra sức phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống của nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Đồng thời chủ động, tích cực chuẩn bị sẵn sàng chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá ra miền Bắc.

Tháng 7-1965, tỉnh Thái Nguyên sáp nhập với tỉnh Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái. Thành phố Thái Nguyên vừa là tỉnh lỵ Bắc Thái vừa là trung tâm chính trị, kinh tế của Khu Tự trị Việt Bắc cùng với các tỉnh ở miền Bắc trở thành hậu phương lớn của cả nước, chi viện sức người, sức của cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam.

Với vị trí chiến lược là cửa ngõ của thủ đô Hà Nội, có hệ thống giao thông kết nối giữa các tỉnh miền núi phía Bắc với Thủ đô, giữa các tỉnh miền Bắc với các nước xã hội chủ nghĩa anh em qua biên giới Việt - Trung; có khu công nghiệp Gang thép, nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn và nhiều cơ sở quốc phòng quan trọng nên Thái Nguyên là một trong những địa bàn trọng điểm đánh phá bằng không quân của đế quốc Mỹ.

Trước hoạt động trinh sát địa bàn tỉnh của máy bay Mỹ tăng nhanh và các dự báo của Trung ương, ngày 8/7/1965, Ủy ban hành chính tỉnh đã ban hành Chỉ thị về các biện pháp cơ bản của công tác phòng không nhân dân để kịp thời ứng phó trước mọi tình huống.

Cuối tháng 8-1965, Ban Thường vụ tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Phòng không nhân dân tỉnh để làm nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác sơ tán, phòng tránh và đánh địch. Trong đó, chia tỉnh ta thành hai vùng: Vùng ở trạng thái bị uy hiếp và vùng trong trạng thái phòng thủ để đảm bảo duy trì sản xuất, phát triển kinh tế và sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại. Giữa tháng 10-1965, đế quốc Mỹ mở chiến dịch lớn cho không quân đánh phá các tuyến giao thông phía Bắc và Đông Bắc thủ đô Hà Nội. Cầu Gia Bẩy (T.P Thái Nguyên) trở thành “tọa độ lửa” trong chiến dịch này. Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ngày càng lan rộng và ác liệt.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Các đồng chí cấp ủy từ cấp xã đến cấp tỉnh đều trực tiếp tham gia các ban chỉ đạo, trực tiếp tổ chức triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Các phong trào thi đua sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu được phát động rộng khắp.

Để đảm bảo giao thông vận tải trong mọi tình huống, thực hiện Thông tư số 71 của Thủ tướng Chính phủ, tháng 12-1965 Tỉnh ủy đã chỉ đạo Tỉnh đoàn thanh niên thành lập đội 91 thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước phục vụ chiến đấu, đảm bảo giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh.

Nhận thức rõ giao thông trên địa bàn tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng trong Khu tự trị Việt Bắc và cả nước, nên ngay từ năm 1968, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Nghị quyết chỉ rõ đảm bảo giao thông thời chiến là một mặt trận chiến đấu, đồng thời là công tác trọng tâm, đột xuất của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh. Thực hiện Nghị quyết này, Ủy ban hành chính tỉnh đã thành lập Ban Đảm bảo giao thông tỉnh.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo giao thông thông suốt đối với các tuyến đường quan trọng, công tác đảm bảo an toàn đối với các kho tàng, bãi tập kết hàng hóa chi viện cho chiến trường, hệ thống hầm, hào trú ẩn và tổ chức cho nhân dân sơ tán.

Trải qua gần 10 năm trực tiếp kháng chiến chống Mỹ cứu nước (7/1965-5/1975) dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh, quân và dân Thái Nguyên đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ vừa phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, vừa phục vụ chiến đấu và chiến đấu dũng cảm, góp phần quan trọng làm thất bại 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ; đảm bảo giao thông thông suốt, chi viện kịp thời sức người, sức của cho miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ.

Với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, trung bình mỗi năm nhân dân tỉnh Thái Nguyên đóng góp cho Nhà nước 20.000 tấn lương thực. Trong công tác vận tải, trung chuyển hàng hóa quân và dân Thái Nguyên đã hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Trung ương giao. Chỉ tính từ tháng 6 đến tháng 12-1972, quân và dân Thái Nguyên đã tiếp nhận, vận chuyển 70.000 tấn hàng hóa, góp phần làm thất bại âm mưu phong tỏa miền Bắc của địch…

Nhờ những đóng góp, cống hiến to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước quân và dân tỉnh Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, cùng cả nước bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, quân và dân tỉnh Thái Nguyên từng bước khắc phục hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại, vượt lên sự bao vây, cấm vận về kinh tế, từng bước phát triển kinh tế, xây dựng tỉnh nhà ngày một phát triển.

Đặc biệt, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới do Đảng khởi sướng và lãnh đạo, kể từ khi tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng có tính bứt phá. Từ một tỉnh nghèo, Thái Nguyên đã và đang phấn đấu tự cân đối được thu - chi ngân sách. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 15.617 tỷ đồng, đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,82%...

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, với những thành tựu đạt được toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân chúng ta tin tưởng rằng tỉnh Thái Nguyên sẽ trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và vùng thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Qua gần 40 chiến dịch động viên, tuyển quân lớn nhỏ, Thái Nguyên đã huy động 48.278 người nhập ngũ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong số đó có 7.792 người đã ngã xuống, gần 8.000 người để lại một phần xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc…