Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đang phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đến người lao động (NLĐ). Đồng thời, các DN xây dựng phương án điều chỉnh thời gian sản xuất phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ đi bầu cử. Qua đó góp phần bảo đảm quyền lợi của cử tri cũng như giúp DN chủ động trong sản xuất, kinh doanh.
Từ nay đến hết tháng 8-2021 được xác định là khoảng thời gian sản xuất cao điểm đối với Công ty TNHH Wiha Việt Nam ở KCN Sông Công I (T.P Sông Công), bởi trung bình mỗi tháng đơn vị phải sản xuất từ 170.000-180.000 dụng cụ cơ khí cầm tay và tô-vít các loại. Mặc dù lượng công việc nhiều, thế nhưng bên cạnh hoạt động sản xuất, Công ty cũng phối hợp tuyên truyền bầu cử cho NLĐ.
Ông Pham Ngọc Hoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Sau khi nhận được chỉ đạo của Công đoàn cấp trên, chúng tôi đã phối hợp thực hiện tuyên truyền bầu cử cho NLĐ thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo của các tổ, đội sản xuất, lồng ghép trong các cuộc họp giao ban hằng tháng. Về nội dung tuyên truyền tập trung vào quyền, nghĩa vụ của công dân khi tham gia bầu cử, cảnh giác và đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, những âm mưu và hành động chống phá hoại bầu cử của các thế lực cơ hội, thù địch... Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ đi bầu cử vào ngày 23-5 sắp tới, Công ty sẽ rút ngắn từ 1-2 tiếng/ca sản xuất.
Anh Vũ Văn Sỹ, công nhân làm việc tại xưởng gia công của Công ty chia sẻ: Tôi bắt đầu vào làm việc tại đây từ năm 2006. Vì thế, năm nay không phải là năm đầu tiên tôi được đi bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp với tư cách là NLĐ của đơn vị. Tôi thấy, trước mỗi dịp bầu cử như vậy, NLĐ sẽ được Công đoàn và Ban Giám đốc Công ty cho đăng ký ca, kíp làm việc để chủ động sắp xếp thời gian thuận lợi đi bầu cử.
Tương tự, đối với Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên (Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên) ở KCN Sông Công I, ông Nguyễn Phú Hùng, Giám đốc đơn vị nói: Với mục tiêu sản xuất 11.000 tấn kẽm và 14.000 tấn axit, từ nay đến hết năm 2021, Nhà máy phải hoạt động 100% công suất và duy trì làm việc trong cả thứ Bảy và Chủ nhật. Để bảo đảm cho NLĐ vẫn có thể đi bầu cử thì chúng tôi chia 3 ca sản xuất/ngày (mỗi ca từ 50-100 người) để có thể luân phiên nhau đi bầu cử. Đối với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên ở KCN Yên Bình (T.X Phổ Yên) với trên 60.000 NLĐ, theo Samsung Việt Nam thì đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên tham gia thực hiện đầy đủ quyền bỏ phiếu.
Tìm hiểu thêm tại nhiều DN khác trong các KCN, chúng tôi thấy phần lớn các DN sẽ nghỉ vào Chủ nhật nên NLĐ có thể đi bầu cử ở nơi cư trú. Ví như tại các Công ty TNHH Mani Hà Nội, ông Nguyễn Đức Cảnh, Bí thư Chi bộ Công ty phản ánh: Hiện nay, 100% NLĐ thuộc 2 nhà máy đặt ở T.X Phổ Yên và KCN Điềm Thụy (huyện Phú Bình) đều được nghỉ làm việc vào Chủ nhật. Nếu cần tăng ca sản xuất thì từ trước đến nay, Mani chỉ tăng ca vào 2 ngày thứ Bảy/tháng để bảo đảm cho NLĐ được nghỉ Chủ nhật. Theo đó, NLĐ có thể tham gia đi bầu cử vào ngày 23-5 sắp tới.
Theo ông Trần Quốc Trung, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh: Ngày 8-4 vừa qua, Ban đã ban hành Công văn số 559/BQL-QLDN gửi các DN trong các KCN, trong đó đề nghị các DN chủ động cập nhật thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử tuyên truyền, phổ biến đến NLĐ để nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của sự việc này; đồng thời khuyến khích các DN cho NLĐ về nơi cư trú thực hiện quyền bầu cử. Đối với những vị trí không thể dừng sản xuất, kinh doanh trong ngày 23-5 cần có phương án sắp xếp để họ có thời gian đi bầu cử.
Qua rà soát, đến thời điểm này, phần lớn DN trong KCN sẽ cho NLĐ nghỉ Chủ nhật. Bên cạnh đó, có một số DN cho NLĐ đi làm với số lượng từ 30-200 người trong ngày bầu cử. Đối với các đơn vị này, Ban cũng đã đề nghị các DN chủ động sắp xếp cho NLĐ làm việc theo hình thức luân phiên, bố trí nghỉ sớm hơn từ 60-120 phút/ca để họ có thời gian đi bầu cử...