Dự kiến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 20-7

18:09, 27/04/2021

Chiều 27-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 55, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành đánh giá kết quả kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Dự kiến dành 6 ngày cho công tác nhân sự

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau 12 ngày làm việc khẩn trương, dân chủ, trách nhiệm cao, kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV đã thành công rất tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với các nội dung về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021, công tác nhân sự và quyết định một số nội dung khác.

“Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng, không chỉ là dịp để Quốc hội, các cơ quan trong bộ máy nhà nước tổng kết hoạt động trong 5 năm vừa qua mà còn kiện toàn một bước nhiều nhân sự chủ chốt trong bộ máy nhà nước, bảo đảm đồng bộ, đáp ứng yêu cầu triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, đồng chí Bùi Văn Cường nói.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Báo cáo bước đầu về dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến Quốc hội làm việc trong 11 ngày; khai mạc vào ngày 20-7 và bế mạc vào ngày 3-8-2021.

Trong đó, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ phát biểu trước Quốc hội khóa XV; đồng thời, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV.

Dự kiến, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ dành 6 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự, gồm: Quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Đồng thời, Quốc hội cũng tiến hành bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ...

Kỳ họp thứ nhất cũng dành 4 ngày để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số nội dung khác như xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề; xem xét, quyết định: Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025... Quốc hội cũng dành 1 ngày cho các phiên khai mạc, bế mạc, trình bày báo cáo, thông qua nghị quyết.

Chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Thảo luận về dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, kỳ họp này có ý nghĩa hết sức quan trọng, do đó, các nội dung trình Quốc hội cần được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý cần dự kiến kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 cho kỳ họp thứ nhất trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp tại các quốc gia lân cận, khiến nguy cơ bùng phát dịch trong nước rất cao.

Nhấn mạnh công tác nhân sự là nội dung đặc biệt quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, với đặc điểm của nhiệm kỳ sắp tới là số lượng đại biểu mới tương đối nhiều, do đó, cần chuẩn bị nội dung về công tác nhân sự thật kỹ, không để xảy ra sai sót.

“Chương trình giám sát năm 2022 cần được Quốc hội quyết định sớm tại kỳ họp thứ nhất và thận trọng cân nhắc nội dung giám sát bởi vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến công tác giám sát toàn khóa”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, việc quyết định các kế hoạch 5 năm cần được thực hiện theo luật định là tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề xuất nới rộng thời gian cho nội dung quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tài chính; kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025 trong chương trình kỳ họp thứ nhất để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận kỹ.

Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, thành công của kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV tiếp tục thể hiện sự lãnh đạo kịp thời của Đảng; sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự phối hợp hiệu quả giữa Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan; sự đoàn kết, đồng lòng, tích cực, chủ động, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; sự quan tâm, ủng hộ, giám sát chặt chẽ của cử tri và nhân dân cả nước; sự tận tụy, trách nhiệm của bộ máy tham mưu, giúp việc; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Toàn cảnh phiên họp chiều 27-4.

Về chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác nhân sự cần được bố trí đủ thời gian; công tác quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia cần tuân thủ theo quy định của pháp luật. Để bảo đảm chất lượng các kế hoạch 5 năm trình ra Quốc hội, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội chủ động, khẩn trương hoàn thành các nội dung.

“Đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến, tiếp tục hoàn thiện chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.