Bằng những cách làm sáng tạo, MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp huyện Phú Bình đã và đang triển khai nhân rộng được nhiều mô hình “Dân vận khéo” ở cơ sở, thu hút được đông đảo hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân tham gia, góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác dân vận, trong những năm qua, Ủy ban MTTQ huyện Phú Bình tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, MTTQ Việt Nam về công tác dân vận cho cán bộ MTTQ các cấp và nhân dân. MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp triển khai thực hiện đồng bộ, sôi nổi, thiết thực, hiệu quả, đi vào chiều sâu các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện, thiết thực lập thành tích chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, Ban Chỉ đạo huyện về việc phối hợp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tích cực tuyên truyền, vận động, phối hợp chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn các giải pháp đồng bộ phòng, chống dịch bệnh đến các xóm, tổ dân phố trong toàn huyện. Phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Kết quả, năm 2020, đã tổ chức 235 cuộc tuyên truyền với trên 23.833 lượt người tham dự. Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, huyện Phú Bình đã thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Huyện đã tổ chức trao tặng 13.237 suất quà trị giá trên 6,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị đăng ký các danh hiệu thi đua, gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, cơ quan văn hóa. Đến nay toàn huyện có 305/305 khu dân cư, tổ dân phố đăng ký đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa đạt 100%; 121/144 cơ quan đăng ký đạt danh hiệu cơ quan văn hoá, 36.677/37.611 hộ đăng ký đạt danh hiệu gia đình văn hoá đạt 97,5%.
Cùng với MTTQ, các tổ chức đoàn thể các cấp trên địa bàn huyện đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực. Hội Cựu chiến binh phối hợp với Công an huyện tổng kết chương trình phối hợpvề thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước trong tình hình mới; tích cực tuyên truyền tới cán bộ, hội viên và nhân dân phòng, chống dịch COVID-19, đã ủng hộ đội vệ sinh môi trường công cộng xã Thượng Đình 50 đôi găng tay cao su, 50 khẩu trang và nước khử trùng…
Liên đoàn Lao động huyện chỉ đạo các công đoàn cơ sở tổ chức trồng 73 cây cảnh trị giá 50 triệu đồng, trồng mới công trình “Đường hoa” tại thị trấn Hương Sơn, chào mừng đại hội Đảng các cấp trị giá 47 triệu đồng. Hội Nông dân huyện vận động hội viên hiến 7.570 m2 đất, 5.465 ngày công lao động và 1.813 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn; chỉ đạo 303 chi hội tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phối hợp phun thuốc khử trùng phòng, chống dịch COVID-19.
Hội Liên hiệp Phụ nữ từ huyện đến cơ sở tiếp tục triển khai phong trào thi đua gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hội viên phụ nữ tham gia hiến 580 m2 đất làm đường giao thông nông thôn, đóng góp 15.700 công lao động tu sửa đường giao thông, vệ sinh đường làng ngõ xóm do phụ nữ tự quản, tuyên truyền, vận động chị em phân loại rác thải tại gia đình nhằm giảm lượng rác thải ra môi trường sống bằng việc xây dựng các chi hội tự quản, vệ sinh và duy trì hiệu quả 1.348 lò đốt rác thải có nắp đậy tại các cánh đồng, 7.677 hố xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; trồng mới 2,5km đường hoa.
Các cấp bộ đoàn thanh niên trong toàn huyện tổ chức trao quà cho các đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo, các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá trên 250 triệu đồng. Tổ chức 43 hoạt động xung kích tình nguyện bảo vệ môi trường: vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải, làm sạch kênh mương nội đồng thu hút 3.825 lượt ĐVTN tham gia, quét dọn trên 41 km đường làng ngõ xóm; thu gom trên 24m3 rác thải; đảm nhận 54 công trình thanh niên.
Thông qua phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã giúp MTTQ và các tổ chức thành viên nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và tình hình nhân dân, phản ánh kịp thời cho cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, kịp thời phổ biến, tuyên truyền để người dân nắm rõ hơn, hiểu chắc hơn những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đông đồng bào theo đạo. Từ các mô hình "Dân vận khéo" trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, nhân dân các dân tộc trong huyện đã tích cực tham gia vào các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo.
Có thể thấy, với việc xây dựng mô hình “dân vận khéo” cụ thể, thiết thực, phù hợp thực tế địa phương đã góp phần tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, bức xúc trong nhân dân; nâng cao chất lượng và hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.