Mong mỏi Thái Nguyên sớm có giải báo chí của tỉnh

08:36, 18/04/2021

Những năm gần đây, hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có sự phát triển cả về quy mô, số lượng, loại hình báo chí. Bằng ngòi bút của mình, đội ngũ những người làm báo Thái Nguyên đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.

 

Thái Nguyên tự hào là một trong những cái nôi của cách mạng, kháng chiến. Cũng trên mảnh đất này, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị và Tổng bộ Việt Minh do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Bí thư đã bí mật tổ chức Trường dạy làm báo kháng chiến mang tên chí sĩ yêu nước, nhà báo lớn Huỳnh Thúc Kháng. Ngày 4/4/1949,  tại ấp Bờ Rạ, Gốc Mít, xã Tân Thái, huyện Đại Từ đã diễn ra Lễ khai giảng khóa học đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Sau đó tròn 1 năm, tại thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Hội của những người viết báo (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) ra đời.

Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều tờ báo đã ra đời tại Thái Nguyên, như: Báo Nhân dân ra số đầu tiên vào ngày 11/3/1951 tại xã Quy Kỳ (Định Hoá); ngày 20/10/1950, tại xóm Khau Diều, xã Định Biên (Định Hoá) Báo Quân đội Nhân dân ra số đầu tiên. Các báo Lao động, Cứu quốc, Văn nghệ cứu quốc và hàng chục tờ báo của các ngành, đoàn thể cũng được thành lập tại chiến khu xưa. Những tờ báo này đã trở thành công cụ quan trọng của Đảng trong chỉ đạo phong trào cách mạng, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền vận động cách mạng, kháng chiến kiến quốc.

Cùng với báo chí cả nước, trong những năm qua, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương để phát triển. Báo chí Thái Nguyên là cầu nối để đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh tới nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tạo sự đồng thuận trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Đội ngũ nhà báo thường xuyên được đào tạo nâng cao nghiệp vụ, có phẩm chất tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, sáng suốt, tỉnh táo trong xử lý nguồn tin, giữ cho “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Dù vậy, những người làm báo trên địa bàn tỉnh luôn mong mỏi những hoạt động sáng tạo của mình tiếp tục được ghi nhận ở một quy mô lớn hơn đó là giải báo chí cấp tỉnh.

Tôi còn nhớ như in, ngày 19/3/2015, dưới sự chủ trì của đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cuộc họp về việc tổ chức giải báo chí cấp tỉnh đã diễn ra. Tại cuộc họp, các đại biểu đã thống nhất phương án tổ chức giải báo chí của tỉnh, dự kiến mang tên Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng. Về kinh phí tổ chức giải gồm 2 nguồn: Ngân sách Nhà nước và xã hội hóa. Tuy vậy, 6 năm trôi qua, trong khi hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức được Giải báo chí quy mô cấp tỉnh thì Thái Nguyên lại chưa có.

Đồng chí Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cho biết: Đầu tháng 3 vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương tổ chức giải báo chí mang tên Huỳnh Thúc Kháng và giao cho Hội Nhà báo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện kế hoạch tổ chức giải. Ngày 24/3/2021, UBND tỉnh có Công văn số 1082/UBND-KGVX về việc tham mưu cho UBND tỉnh xem xét đề nghị của Hội Nhà báo về việc thành lập Giải báo chí cấp tỉnh, giao Sở Thông tin - Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung đề xuất của Hội Nhà báo tỉnh và báo cáo UBND tỉnh theo quy định. Hiện nay, Hội đang gấp rút hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức giải để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Việc tỉnh đồng ý tổ chức giải báo chí cấp tỉnh là phù hợp với xu thế phát triển chung của báo chí cả nước. Đây cũng là “sân chơi” để đội ngũ những người làm báo khẳng định “thương hiệu” của mình. Giải thưởng còn là nguồn cổ vũ, động viên, tôn vinh đội ngũ làm báo trong quá trình sáng tạo, nâng cao chất lượng những tác phẩm báo chí, mang lại hiệu ứng xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống thông tin của tỉnh.