Quốc tế Lao động với giai cấp công nhân Việt Nam

06:14, 30/04/2021

Kỷ niệm 135 năm ngày Quốc tế Lao động và 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56, ngày 29/4/1946 về việc được nghỉ việc ngày 1-5 là dịp để giai cấp công nhân và nhân dân lao động ôn lại truyền thống của giai cấp và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp để toàn thể giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam tăng cường thêm mối đoàn kết, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thành quả đấu tranh của giai cấp công nhân quốc tế

Từ nửa cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn độc quyền, sản xuất công nghiệp ở một số nước, như Anh, Pháp, Đức, Mỹ... phát triển mạnh mẽ. Cùng với những bước tiến của nền kinh tế tư bản, giai cấp tư sản tăng cường bóc lột và bần cùng hóa công nhân lao động; mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản diễn ra với quy mô ngày càng lớn.

Trong cuộc đấu tranh đó, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, C.Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là một nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế I họp tại Giơnevơ (Thụy Sĩ) tháng 9-1866, vấn đề đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ” sớm xuất hiện ở một số nơi của nước Anh rồi dần lan sang các nước khác.

Nước Mỹ, từ một quốc gia có nền kinh tế lạc hậu, phụ thuộc vào châu Âu, đã mở rộng sản suất, nhanh chóng phát triển trở thành nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Các guồng máy chạy hết công suất suốt ngày đêm, hàng vạn công nhân bị bắt buộc làm việc mỗi ngày từ 14-18 giờ, phụ nữ lao động quần quật không kém gì nam giới, nhưng đồng lương chỉ bằng 1/2 nam giới và suốt tuần không có ngày nghỉ; trẻ em phải làm việc 12 giờ/ngày.

Không chịu đựng nổi chế độ bóc lột tàn khốc của giai cấp tư sản, phong trào bãi công của công nhân Mỹ bùng lên với đòi hỏi bức thiết là tăng lương, giảm giờ làm, cùng với phong trào đấu tranh của công nhân là sự ra đời và phát triển phong trào Công đoàn. Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Nhưng các xí nghiệp tư nhân vẫn giữ ngày làm việc từ 11-12 giờ.

Ngày 1/5/1886, tại thành phố Chicagô (Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của “Liên đoàn lao động Mỹ” công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc). Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân, chính quyền tư sản rơi vào thế bị động...

Những cuộc biểu tình tại Chicagô diễn ra ngày càng quyết liệt. Các xung đột xảy ra dữ dội khiến hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt... Vụ tàn sát đẫm máu sau ngày 1/5/1886, gây nên chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới. Ở Mỹ nhiều cuộc biểu tình ủng hộ yêu sách của công nhân Chicagô nổ ra tại các thành phố. Công nhân Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan... tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ. Tuy phong trào bị đàn áp, nhưng chính phủ buộc phải ban hành đạo luật ngày làm 8 giờ.

Quốc tế Lao động (1-5) là biểu hiện sự đoàn kết với vô sản, cần lao quốc tế. Ngày 1-5 gắn liền với cả một quá trình đấu tranh cách mạng ở trong nước cũng như ở ngoài nước.

Giai cấp công nhân Việt Nam và trọng trách trong thời kỳ mới

Những năm 1925, công nhân Việt Nam đã tổ chức những cuộc biểu tình, bãi công đòi tăng lương và để ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân thế giới và khu vực. Tháng 2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông…

Đồng chí Dương Xuân Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy thăm hỏi, tặng quà của tỉnh cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại T.X Phổ Yên; lãnh đạo Công ty cổ phần Elovi Việt Nam tặng quà của công ty cho các công nhân lao động. Ảnh: Vũ Công

Sau khi giành được độc lập, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22C, ấn định những ngày Tết, ngày kỷ niệm lịch sử và ngày lễ tôn giáo, trong đó quy định ngày 1-5 là một trong những ngày Lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Người ký sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1-5) và Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. 

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quổc, nhất là sau 35 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã có sự trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. 

Trong các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn khẳng định vị trí, vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân - giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong thời kỳ mới, Đảng đã xác định rõ nội dung cụ thể về phát triển giai cấp công nhân, trong đó nhấn mạnh cả hai yếu tố lượng và chất; coi trọng việc xây dựng giai cấp công nhân hiện đại; xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, những nhà kinh doanh có tài, những nhà quản lý giỏi và các nhà khoa học, kỹ thuật có trình độ cao; đẩy mạnh việc phát triển Đảng trong công nhân; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo cán bộ xuất thân từ công nhân”… 

Vì vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, tổ chức Công đoàn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn sát cánh cùng đoàn viên và người lao động - đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động, giải quyết tranh chấp lao động; tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, động viên công nhân viên chức lao động phát huy vai trò của mình và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền biển, đảo; phát triển kinh tế - xã hội đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng xác định mục tiêu: “Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Trước yêu cầu đó, đòi hỏi giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt nam phải không ngừng nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp của mình, phải phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo, tính tích cực chủ động trong lao động, sản xuất, kinh doanh, đồng thời phải “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân”, giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các giai tầng trong xã hội.

Đối với giai cấp công nhân, lực lượng tiền phong, nòng cốt của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, người gánh vác trọng trách thực hiện thắng lợi mục tiêu to lớn đó, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân”… 

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, ý chí mạnh mẽ, khát vọng phát triển mãnh liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta tin tưởng rằng Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình, vượt qua được những khó khăn, thử thách, phát huy thuận lợi, thời cơ, thực hiện được những mục tiêu của Đại hội XIII của Đảng đề ra, đưa nước ta trở thành nước phát triển, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.