Chiếm hơn một nửa dân số (51,4%) và non nửa lực lượng lao động (trên 49%) của tỉnh, phụ nữ có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy và đại biểu HĐND các cấp đã tăng qua từng nhiệm kỳ, song vẫn chưa đạt được mục tiêu, kỳ vọng tỉnh đã đề ra. Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tới đây là cơ hội cho phụ nữ tham chính nhiều hơn.
Theo đánh giá 10 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 cho thấy, từ năm 2011 đến nay, công tác cán bộ nữ của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quan điểm đánh giá cán bộ nữ có nhiều đổi mới, vai trò của cán bộ nữ được tăng cường trong cấp ủy, bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp. Nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ, độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ nữ được các cơ quan nghiêm túc thực hiện.
Cụ thể: Nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 28,5%, nữ đại biểu HĐND tỉnh là 33,3% (tăng 4,76% so với nhiệm kỳ trước), nữ đại biểu HĐND huyện là 27,7%, nữ đại biểu HĐND xã là 24,6% (tăng 3,26% so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ tham gia ban chấp hành đảng bộ các cấp cũng tăng đáng kể: Cấp tỉnh đạt 17,67% (tăng 6,82%), cấp huyện đạt 23,39%, (tăng 3,28%), cấp xã đạt 28,39% (tăng 4,04%) so với nhiệm kỳ trước.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2020-2025, lần đầu tiên tỉnh ta có Bí thư Tỉnh ủy là nữ. Ở huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số Võ Nhai lần đầu tiên có nữ Bí thư Huyện ủy, nữ Chủ tịch UBND, tỷ lệ nữ là lãnh đạo chủ chốt các xã, thị trấn, trưởng, phó các phòng, ban ở huyện này cũng tăng so với nhiệm kỳ trước… Đó là những minh chứng sinh động thể hiện Đảng, Nhà nước, tỉnh ta luôn quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới và tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính.
Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham chính còn thấp hơn so với lực lượng và tiềm năng của phụ nữ. Và tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy và đại biểu HĐND các cấp vẫn chưa đạt được so với các chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 của tỉnh.
Đó là phấn đấu tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016-2020 đạt từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2012-2020 trên 35%; phấn đấu năm 2020 đạt trên 95% số UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, 100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ (nếu ở cơ quan, đơn vị đó có tỷ lệ 30% nữ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động).
Thực tế cho thấy, nữ chiếm trên 50% dân số và có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Do vậy, việc tăng tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp không chỉ thực hiện bình đẳng giới theo chủ trương của Đảng mà còn phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của phụ nữ trong công cuộc đổi mới của tỉnh.
Vừa qua, Uỷ ban MTTQ các cấp đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn. Trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri để hiệp thương lần thứ 3, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp.
Điều đáng mừng là sau hội nghị hiệp thương lần 3, Thái Nguyên có 7/10 ứng cử viên đại biểu Quốc hội là nữ đạt 70%. Không chỉ cao nhất từ trước đến nay, tỷ lệ này còn đưa Thái Nguyên đứng đầu về tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội trong 7 tỉnh trung du, miền núi Phía Bắc. Tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh là 47/105 người (44,76%); cấp huyện 267/632 người, đạt 42%; cấp xã 3.206/8.002 người, đạt 40%; 155/178 đơn vị có tỷ lệ phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp xã đạt 35% trở lên.
Còn một tháng nữa cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra, đây là cơ hội lớn để phụ nữ tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực chính trị. Để các nữ ứng cử viên trúng cử, được cử tri tín nhiệm, lựa chọn là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân thì đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó có vai trò quan trọng của các cấp hội phụ nữ.
Đồng chí Trần Kim Dung, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Chúng tôi chủ động bám sát cơ sở để nắm tình hình hội viên phụ nữ trước và sau bầu cử, đặc biệt là những địa bàn tiềm ẩn những phức tạp để có phương án chỉ đạo kịp thời; tổ chức hội nghị, cuộc thi nhằm tuyên truyền pháp luật về bầu cử; tổ chức khoảng 20 lớp tập huấn hỗ trợ kỹ năng cần thiết cho nữ ứng cử viên cấp huyện, xã lần đầu ứng cử như trình bày báo cáo, chương trình hành động đến với cử tri..; giám sát các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình bầu cử; vận động cử tri, đặc biệt là cử tri nữ nghiên cứu kỹ danh sách, thông tin về người ứng cử, tham gia các buổi tiếp xúc với người ứng cử, tự bỏ phiếu lựa chọn cho các nữ ứng cử viên đủ tiêu chuẩn, tránh tình trạng cử tri không đi, hoặc nhờ bầu hộ, như thế sẽ có khả năng làm giảm cơ hội trúng cử cho nữ ứng cử viên.