An toàn trong đại dịch

17:51, 22/05/2021

Ngày 23-5, cùng với cả nước, cử tri Thái Nguyên sẽ thực hiện quyền công dân bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, trên cơ sở văn bản của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã hướng dẫn cho các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kịch bản theo 5 tình huống.

Tình huống thứ nhất là tại các điểm bỏ phiếu tại khu vực không có hoặc có dịch COVID-19 nhưng không thực hiện dãn cách xã hội. Tình huống thứ hai, tại địa điểm bỏ phiếu ở các xã, phường, thị trấn. Tình huống thứ ba, tại các địa điểm bỏ phiếu tại khu cách ly tập trung hoặc nơi thực hiện phong tỏa, giãn cách ly xã hội. Tình huống thứ tư, tại địa điểm bỏ phiếu có cử tri đang cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú. Tình huống thứ năm là thực hiện bỏ phiếu tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19.

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để bảo đảm an toàn dịch bệnh trong suốt quá trình bầu cử, nguyên tắc chung của các tình huống là phải bảo đảm thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Trong tất cả các tình huống, cán bộ làm nhiệm vụ bầu cử thường xuyên thông tin, tuyên truyền để cử tri nắm được và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch khi tham gia bỏ phiếu bầu cử (thực hiện qua loa truyền thanh, tin nhắn hoặc sử dụng các ứng dụng Zalo, Viber…). Tại các điểm bỏ phiếu, bố trí cán bộ y tế hướng dẫn cử tri thực hiện các quy định phòng, chống dịch; bố trí nhân lực đo thân nhiệt tại cổng ra vào. Nếu phát hiện cử tri có biểu hiện sốt, ho, khó thở, nghi ngờ mắc COVID-19… thì chuyển sang phòng cách ly đã được bố trí để xử lý. 

Đối với việc bảo đảm an toàn trong quá trình bỏ phiếu tại khu cách ly tập trung hoặc khu vực phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, theo hướng dẫn của ngành Y tế, người tham gia bỏ phiếu phải thực hiện giữ khoảng cách 2m; sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh trước và sau khi bỏ phiếu; phân luồng đi vào và đi ra theo một chiều tại điểm bầu cử. Đặc biệt, cử tri sử dụng bút, thước kẻ, găng tay riêng cho từng người và bỏ vào thùng chứa rác thải có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2” sau khi dùng…

Đối với Tổ phụ trách bầu cử tại các khu cách ly tập trung hoặc nơi bị phong tỏa, giãn cách xã hội, số người tham dự khai mạc không được quá 20 người; lấy mẫu xét nghiệm trước và sau khi thực hiện nhiệm vụ cũng như sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân đầy đủ cho cán bộ phục vụ bầu cử... Trong trường hợp phải sử dụng hòm phiếu phụ (hòm phiếu lưu động), việc sử dụng hòm phiếu được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 01 ngày 11/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cán bộ bầu cử phải mặc đồ bảo hộ và hướng dẫn lần lượt từng cử tri bỏ phiếu bầu, sau đó trở về khu cách ly. Tổ chức bầu cử tại các khu cách ly tập trung, nơi thực hiện phong tỏa, giãn cách phải có các phương án đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Đối với cử tri đang thực hiện cách ly tại nhà, chuẩn bị hòm phiếu phụ (hòm phiếu lưu động), phiếu bầu cử, bút, thước kẻ, găng tay, dung dịch sát khuẩn bằng cồn dạng phun sương, khẩu trang. Tổ trưởng tổ bầu cử phân công thành viên phối hợp với lực lượng y tế, bảo vệ trực tiếp mang đến nhà người cách ly. Hòm phiếu phụ được đặt ngoài khuôn viên nhà của cử tri đó (theo hướng dẫn tại Thông tư số 01 ngày 11/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ) để cử tri thực hiện quyền bầu cử đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch… Ngoài ra, cán bộ bầu cử trong các tình huống 2,3,4, 5 phải tự theo dõi sức khỏe sau bầu cử, nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì thông báo ngay cho cơ quan y tế. Trong trường hợp số lượng người cách ly tăng lên, tỉnh sẽ tăng cường các lực lượng cơ sở, trang thiết bị và các hòm phiếu phụ tiếp cận các khu vực cách ly để tiến hành công tác bầu cử đúng quy định…