Trong cái nắng dịu ngọt của những ngày cuối tháng 4, chúng tôi đến thăm Di tích nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên huyện Võ Nhai tại xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng. Hơn nửa ngày có mặt tại mảnh đất được coi là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng của Võ Nhai, được gặp gỡ, trao đổi với những người dân hiền lành, chân chất, thăm các mô hình kinh tế, ghé các công trình phúc lợi công cộng, chúng tôi cảm nhận sức sống mới trên vùng đất cách mạng này…
Ngược dòng lịch sử cách đây 84 năm, sự ra đời của tổ chức Đảng ở Võ Nhai gắn liền với Quyết nghị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất và sự hoạt động tích cực của Chi bộ hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ ngày 27 đến 31/03/1935, Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc) đã ra nghị quyết về việc xây dựng các cơ sở cách mạng và phát triển Đảng tại các xí nghiệp, hầm mỏ, đồn điền, các trung tâm kinh tế, văn hoá và các trục đường giao thông trọng yếu. Dưới sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh cách mạng, đặc biệt là sau việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng ở Võ Nhai. Nhiều cơ sở cách mạng ở Võ Nhai đã phát triển nhanh chóng và vững chắc.
Trên cơ sở đó, vào đầu năm 1937, tại xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng, tổ chức Đảng đầu tiên của huyện Võ Nhai được thành lập, gồm có 3 đồng chí: Chu Văn Tấn, Lục Văn Đủ và Nông Văn Cần. Một thời gian sau, kết nạp thêm các đồng chí: Chu Viết Phong, Chu Quốc Hưng, Lê Dục Tôn… Sự ra đời của tổ chức Đảng mùa Xuân năm 1937 đã đánh dấu bước ngoặt mới trong phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc Võ Nhai. Từ đây, phong trào đấu tranh chống thực dân, phong kiến của nhân dân các dân tộc Võ Nhai đã có tổ chức Đảng ở địa phương trực tiếp lãnh đạo. Các cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai có Đảng lãnh đạo thông qua đấu tranh, quần chúng và đảng viên được rèn luyện về nhiều mặt, ý thức đoàn kết giữa các dân tộc được tăng cường. Đó chính là những điều kiện thuận lợi để tổ chức Đảng ở Võ Nhai tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương tiến tới việc thành lập chính quyền cách mạng huyện Võ Nhai vào ngày 21/3/1945.
Cụ Nông Sán Hoa (người đầu tiên ngồi bên trái), sinh năm 1932, là cán bộ tiền khởi nghĩa của huyện Võ Nhai, đồng thời là con của một trong 3 đảng viên đầu tiên Nông Văn Cần trò chuyện với chúng tôi về phong trào cách mạng nơi đây những năm kháng chiến cứu nước.
Ngồi trò chuyện với cụ Nông Sán Hoa, sinh năm 1932, là cán bộ tiền khởi nghĩa của huyện Võ Nhai, là con của đảng viên Nông Văn Cần, chúng tôi hiểu rõ hơn về phong trào cách mạng nơi đây cũng như những hy sinh, mất mát mà họ phải gánh chịu. Điều an ủi đối với những nhân chứng lịch sử này là địa điểm Di tích nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên sau đó đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Nơi đây cũng đã được tu sửa, tôn tạo khang trang và trở thành “địa chỉ đỏ” trong việc giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho nhân dân các dân tộc trong và ngoài huyện; đồng thời cũng là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa của người dân địa phương.
Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng, người dân xóm Cao Lầm luôn biết tìm tòi, học hỏi, cần cù lao động, phát huy tiềm năng đất đai, phát triển kinh tế, luôn đi đầu trong phong trào xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, từng bước trở thành một trong 3 xóm nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu của xã Phú Thượng. Nói về quá trình xây dựng xóm NTM kiểu mẫu, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm Nông Thị Việt chia sẻ: Xóm Cao Lầm có 114 hộ dân với gần 500 nhân khẩu. Năm 2016 xóm được huyện, xã lựa chọn là xóm điểm xây dựng xóm NTM kiểu mẫu, hộ gia đình NTM kiểu mẫu giai đoạn (2016-2020). Xác định việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng xóm đạt chuẩn NTM đã khó, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân để đạt chuẩn xóm NTM ở mức độ cao càng khó khăn hơn.
Để đạt xóm NTM kiểu mẫu, Cao Lầm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập bình quân đầu người và vận động người dântiếp tục ủng hộ chương trình NTM giai đoạn tiếp theo; thực hiện chỉnh trang đường làng ngõ xóm, xây dựng bê tông hóa đường nội đồng đảm bảo phục vụ sản xuất; chăm sóc cảnh quan môi trường từ nhà ra ngõ đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp đúng chuẩn NTM...
Trưởng xóm Cao Lầm Chu Văn Tuyên: “Phát huy truyền thống cách mạng, bà con nhân dân trong xóm với trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số đã đoàn kết, chung sức chung lòng, xây dựng thành công Cao Lầm trở thành xóm nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020. Xóm hiện không có hộ nghèo, thu nhập bình quân của người dân đạt từ 40-45 triệu đồng/người/năm trở lên”. |
Trong phát triển kinh tế, người dân trong xóm đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật đưa giống cây trồng có năng suất cao vào trồng trọt như: Ổi, nhãn, bưởi, cam… Từ năm 2016-2020, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm, trong đó có một số hộ đạt từ 150 đến trên 200 triệu đồng/năm. Cá biệt có một số hộ gia đình đã biết kết hợp giữa chăn nuôi, trồng trọt, làm nghề dịch vụ và trở thành những mô hình kinh tế cho thu nhập cao, được bà con nhân rộng và làm theo như gia đình ông Hoàng Long Giáp, Hoàng Văn Khiêm.
Trong công tác giảm nghèo, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình giảm nghèo, sự giúp đỡ trực tiếp từ cộng đồng, bà con trong xóm còn giúp nhau về ngày công, con giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giới thiệu việc làm... đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xóm. Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xóm là 11,69% thì đến năm 2020, xóm đã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo 3/114 hộ, chiếm tỷ lệ 2,63%.
Kinh tế phát triển, người dân trong xóm có điều kiện đối ứng cùng Nhà nước xây dựng các công trình thiết yếu. 5 năm qua, Cao Lầm đã tiếp tục bê tông hóa được 1.850m đường cấp B và 2.050m đường cấp C liên gia, 660m đường cấp C nội đồng do Nhà nước cấp xi măng; xây dựng được 1.250m kênh mương phục vụ tưới tiêu. Năm 2019, xóm được Nhà nước đầu tư và nhân dân đóng góp xây dựng hoàn thiện khuôn viên Nhà văn hóa rộng trên 300m2với tổng trị giá 350 triệu đồng… Trong 20 năm qua (2000-2020), xóm đã được các cấp ghi nhận và được tặng thưởng 25 Giấy khen, Bằng khen; đạt danh hiệu Làng văn hóa liên tục và khen thưởng Làng văn hóa tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh...