Kê khai tài sản, thu nhập: Tăng hiệu quả chống tham nhũng

09:38, 27/05/2021

Triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ, Thái Nguyên là địa phương sớm thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập (TSTN) lần đầu đối cán bộ, công chức, người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc tỉnh. Đây được xem làm một trong những giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng.

So với các quy định trước đây, người có nghĩa vụ kê khai TSTN hằng năm đã mở rộng hơn, quy định cụ thể tại Điều 10, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP (không giới hạn gồm người có chức vụ phó trưởng phòng trở lên hoặc công tác tại lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng). Theo lộ trình, Thanh tra Chính phủ yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện kê khai, công khai bản kê khai TSTN lần đầu trước ngày 31/3/2021; bàn giao bản kê khai cho cơ quan kiểm soát TSTN trước ngày 30/4/2021 và báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra Chính phủ chậm nhất là ngày 31/5/2021.

Ông Hà Văn Dương, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: Luật Phòng, chống tham nhũng quy định rõ, có 8 cơ quan kiểm soát TSTN, trong đó cơ quan thanh tra giữ vai trò quan trọng. Trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 30 Luật Phòng, chống tham nhũng thuộc thẩm quyền kiểm soát TSTN của Thanh tra Chính phủ, còn lại hầu hết do Thanh tra tỉnh đảm nhận, gồm kiểm soát TSTN của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương. Trong quá trình kê khai, Thanh tra tỉnh có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan, giải trình khi có biến động tăng về TSTN từ 300 triệu đồng trở lên so với TSTN đã kê khai lần liền trước đó hoặc để phục vụ việc xác minh... Quy định cũng nêu rõ, chỉ cơ quan kiểm soát TSTN mới có quyền thẩm tra, xác minh và quản lý bản kê khai TSTN của các cá nhân; chế tài xử lý với những trường hợp vi phạm trong thực hiện kê khai… Điều này giúp khắc phục biểu hiện hình thức trong kê khai TSTN, góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng.

Tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa phương triển khai sớm và tích cực việc kê khai TSTN. Ngày 17/12/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND thực hiện quy định về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước cũng sớm ban hành kế hoạch, quyết định phê duyệt danh sách cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai TSTN và đôn đốc thực hiện nghiêm túc.

Tính đến thời điểm này, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã hoàn thành việc kê khai TSTN với tổng số người đã kê khai là 8.097. Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Phòng nghiệp vụ 5, Thanh tra tỉnh thông tin: Qua theo dõi cho thấy, công tác kê khai TSTN trên địa bàn tỉnh được triển khai nghiêm túc, bám sát kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên. Hiện, 100% cơ quan, đơn vị đã thực hiện công khai bản kê khai TSTN bằng hình thức niêm yết tại trụ sở hoặc thông báo tại cuộc họp của cơ quan. Việc báo cáo kết quả kê khai TSTN về Thanh tra Chính phủ của tỉnh Thái Nguyên sẽ thực hiện theo đúng yêu cầu là trước ngày 31/5/2021.