Lựa chọn đại biểu đưa Việt Nam đi đúng con đường lựa chọn

17:07, 23/05/2021

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ở Việt Nam thu hút sự quan tâm của giới quan sát, nhất là trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động sâu sắc và sự bùng phát của các làn sóng Covid-19 ở Đông Nam Á.

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Đề cập tới cơ cấu, thành phần đại biểu trong Quốc hội Việt Nam, chuyên gia Supalak Ganjanakhundee, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), đánh giá Việt Nam là điểm sáng về sự đa dạng, cân bằng về giới, cộng đồng các dân tộc trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Chính sách này sẽ là động lực để tập hợp sức mạnh từ nhiều lĩnh vực phục vụ cho công tác điều hành đất nước. Công tác hiệp thương, giới thiệu ứng cử viên theo 3 vòng 5 bước mà Việt Nam áp dụng là phương pháp hiệu quả để lựa chọn được các ứng cử viên phù hợp, phục vụ đường lối, chính sách phát triển chung của đất nước.

Đánh giá công tác chuẩn bị bầu cử của Việt Nam, chuyên gia ISEAS cho rằng, dù đang phải đối mặt với các thách thức từ đại dịch COVID-19 nhưng Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho cuộc bầu cử. Điều này thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm đưa đất nước qua “cơn nhiễu động” để đạt được mục tiêu cuối cùng - trở thành đất nước tiên tiến, phát triển giữa bối cảnh tình hình địa chính trị khu vực và thế giới không ngừng chuyển động.

Theo chuyên gia Supalak Ganjanakhundee, việc tổ chức bầu cử giữa đại dịch là điều bình thường. Một số quốc gia ASEAN như Singapore đã tổ chức an toàn, thành công cuộc tổng tuyển cử vào năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát. Điều quan trọng là chính phủ các nước cần phải đưa ra các biện pháp phòng dịch hiệu quả như đảm bảo giãn cách giữa các cử tri tại các điểm bỏ phiếu.

Tiến sĩ Balaz Szantos, bộ môn Khoa học chính trị, Đại học Chulalongkorn của Thái Lan, nhận định, bầu cử Quốc hội là một công việc hệ trọng của một quốc gia, liên quan trực tiếp đến sự vận hành bình thường của cả hệ thống. Đây thực sự là một năm khó khăn để tổ chức một kỳ bầu cử ở tầm quốc gia. Đông Nam Á đang tiếp tục phải chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 với các làn sóng lây nhiễm mới, do đó đòi hỏi giới chức phải hết sức thận trọng khi xem xét tổ chức các sự kiện lớn như một cuộc tổng tuyển cử. Đồng thời, cùng với những tác động mang tính đứt gãy của dịch bệnh, đội ngũ lãnh đạo mới sẽ phải đối mặt với nhiều yếu tố bất định trong hệ thống quốc tế.
 
Thể hiện tiếng nói

Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales của Australia, cho rằng cuộc bầu cử lần này là cơ hội để người dân Việt Nam thể hiện tiếng nói đối với các vấn đề quan trọng. Hoạt động của cơ quan lập pháp Việt Nam đã có những thay đổi quan trọng trong quá trình Việt Nam nỗ lực xây dựng và củng cố nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đặc biệt kể từ khi Việt Nam thông qua Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001), Hiến pháp năm 2013 và Luật Bầu cử 2015. Cuộc bầu cử năm nay có hơn 69 triệu cử tri đủ điều kiện đi bỏ phiếu, tất cả các ứng cử viên được đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Danh sách các ứng cử viên đủ tiêu chuẩn cũng thể hiện sự đa dạng về thành phần... 

Đồng quan điểm với GS Carl Thayer, chuyên gia Ganjanakhundee cho rằng, Việt Nam là một đất nước năng động với dân số trẻ và năng động, khao khát hướng tới một tương lai tốt đẹp. Vì vậy, cuộc bầu cử năm nay sẽ là dịp để người dân bỏ phiếu lựa chọn các đại biểu ưu tú đưa đất nước đi đúng con đường đã lựa chọn.

GS Carl Thayer nhấn mạnh, các mục tiêu kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài của Việt Nam đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua. Quốc hội Việt Nam khóa mới có trách nhiệm xây dựng chương trình hoạt động và dự thảo ngân sách cho năm sau và tại mỗi kỳ họp sẽ sửa đổi luật hoặc thông qua luật mới để đạt được các mục tiêu đã đề ra.