Mọi người đều biết bức ảnh Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng (QCQT) phất cao trên nóc hầm De Castries của nhà nhiếp ảnh Triệu Đại đã đi vào lịch sử như một mốc son, một biểu tượng chiến thắng chủ nghĩa thực dân của nhân dân Việt Nam và của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Báo chí cũng ghi nhận, người phất lá cờ vào chiều 7/5/1954 báo hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng là Trung đội trưởng Lại Văn Thinh, đơn vị xung kích của Trung đoàn Thủ đô. Nhưng người cắm lá cờ luân chuyển này lần đầu tiên trên đồi Him Lam là ai thì chưa thống nhất, có báo viết là Tiểu đội trưởng Trần Can, có báo viết là Tiểu đội trưởng Nguyễn Hữu Oanh (một thời gian dài nhầm là Trần Oanh). Và lá cờ ấy còn xuất hiện ở những nơi nào nữa trong suốt chiến dịch, thì ít người để ý. Vấn đề này xin dành cho các nhà sử học.
Còn chúng tôi, dưới góc độ nhiếp ảnh, chỉ xin nói đến tính tài liệu, tính lịch sử và niềm kiêu hãnh của những người lính trong các bức ảnh dương cao cờ Quyết chiến Quyết thắng ở trận đánh này. Khi chúng ta xắp sếp những bức ảnh ấy kề bên nhau, thì những câu hỏi, những ý tưởng thú vị đã nẩy sinh. Ngọn cờ ấy có sứ mệnh gì, có sức mạnh gì trong cuộc thi đua giết giặc lập công? Và vì sao các nhà nhiếp ảnh mặt trận không ngại hy sinh, luôn luôn theo sát để chụp được ngọn cờ vinh quang đó mỗi khi nó xuất hiện? Từ bức ảnh đầu tiên phất cờ trên đồi Him Lam, đến bức ảnh cuối cùng phất cờ trên nóc hầm De Casteris do một người chụp hay nhiều người chụp? Trong tay chúng tôi có 5 bức ảnh về cờ, thì bức ảnh cờ cuối cùng là của Triệu Đại, còn 4 ảnh khác không rõ tác giả. Cùng đi Điện Biên Phủ với Triệu Đại, Nhiếp ảnh có Nguyễn Đình Ưu, Đinh ngọc Thông, Điện ảnh có Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Đăng Bẩy... nhưng trong các vị này, không có ai nhận những bức ảnh cờ QCQT là của mình. Xét theo phương thức loại trừ, hệ quả sẽ là của Triệu Đại. Nhưng chưa đủ bằng chứng, chúng tôi không dám kết luận. Vậy bạn đọc nào biết và có căn cứ, xin cho thông tin.
Để người xem dể hình dung và biết thêm về quá trình luân chuyển của ngọn cờ tại chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi cung cấp cho bạn đọc một số bức ảnh được lưu giữ ở Phòng tư liệu ảnh Ban biên tập ảnh Thông tấn xã Việt Nam và ảnh trong bản in số 1 và số 2 Báo Hình ảnh Việt Nam ( số đặc biệt về chiến thắng Điện Biên Phủ, xuất bản tháng 10 và tháng 12/1954), được lưu giữ ở Thư viện Quốc gia Hà Nội.
Ảnh 1: Đây là cận cảnh Đồi Him Lam, vào thời điểm sau khi 40 khẩu pháo cỡ 70 ly đến 120 ly của quân đội ta trút đạn xuống đồn địch, mở màn chiến dịch Điện biên Phủ ngày 13/3/1954. Ảnh ghi được một thực tế tương phản: Khói đạn chưa tan, đối phương chết la liệt, đối lâp với cảnh quân ta thừa thắng xông lên, băng qua xác giặc truy kích tiếp các ổ đề kháng. Hình ảnh anh bộ đội chân đất, chao mờ nhẹ và đồng đội nối nhau ở phía trước toát lên khí thế mãnh liệt, tinh thần chiến đấu ngoan cường làm chủ hoàn toàn chiến trường của quân ta. Đây là một trong những bức ảnh chiến đấu tại trận rất thực, rất xuất sắc của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (phim có ký hiệu BK. 1570 mà TTXVN đã lưu giữ 67 năm).
Ảnh 2: Toàn cảnh chiến thắng Him Lam. chụp trực tiếp, nối ghép bằng hai phim quét ngang, (Máy ảnh năm đó còn thô sơ, không thể chụp toàn cảnh (panorama), khi đứng gần đối tượng bằng một lần bấm máy. Bấm máy 2 lần thu được toàn cảnh khu vực trận địa, ghép không lệch... đấy là sự sáng tạo của nhà nhiếp ảnh tài ba gặp khó về kỹ thuật, nhưng lại may mắn chớp được khoảnh khắc có một không hai.
Nhờ vậy mà ngày nay chúng ta được tận mắt nhìn rõ một không gian rộng của trận địa và núi đồi san sát kéo dài, có cả các chiến sĩ phất cờ, các chiến sĩ vận động trong chiến hào, và xác lính Pháp nằm bên sườn lô cốt ẩn hiện dưới nhiều đám khói nghi ngút. Đây là một bản trường ca bi tráng về chiến tranh, bất cứ người xem ảnh nào cũng phải lặng mình đi, hoặc rung lên bởi sự tàn khốc ám ảnh. Nó là lời kết án, hơn cả lời kết án, nó là mặt khắc trên chiếc triện đồng khổng lồ nung đỏ in hằn vào mặt chủ nghĩa thực dân, để nhân loại không quên ủi các ông chủ buôn súng, buôn người xuống nhà mồ. Đây lại là một bức ảnh hiếm thấy trong chiến tranh ở nước ta và các nước trên thế giới vào những năm 50 của thế kỷ trước.
Ảnh 3: Bức ảnh này được chụp lại từ Báo Hình ảnh Việt Nam số 02, tháng 12/1954. Ảnh cho thấy khu vực cầu Mường Thanh còn ngổn ngang dù trắng của phía quân đội Pháp phủ dưới chân cầu. Bộ đội ta đang cấp tập từ chân cầu lên mặt đường, vượt cầu để đánh vào trung tâm.
Nhà nhiếp ảnh đã kịp thời ghi lại cảnh tượng này, đúng lúc khi ngọn cờ vừa chớm tới đầu cầu. Bức ảnh này được chụp trước bức ảnh Bộ đội vượt cầu Mường Thanh, nó nằm trong chuỗi ảnh ở khu vực cầu Mường Thanh của Triệu Đại (Ảnh này trong báo HAVN 1954 không có tên tác giả, nhưng có tờ báo khác sau này ghi: Ảnh Triệu Đại). Điều này có thể lý giải được, vì trước đây có quan niệm những tài liệu này được công hữu hóa, là tàì sản quốc gia, nên không cần ghi tên tác giả. Những năm gần đây có luật sở hữu trí tuệ thì mọi người mới để ý tới tác giả và tác quyền. Do đó người ta biết đấy là ảnh của ai thì ghi tên người đó, và kèm theo là chút ít tiền nhuận ảnh cho đúng luật.
Ảnh 4: Ngọn cờ xuất hiện tại sân bay Mường Thanh. Phía trước ảnh, hàng rào giây thép gai đã bị đạn pháo hất tung xuống giao thông hào. Chiếc máy bay phía sau nằm chết dí trên đường băng. Tuy ảnh không sán đanh, nhưng lại rất có hồn, bố cục chặt chẽ, người cầm cờ và ngọn cờ rất động trong tư thế xung phong lao lên phía trước, các chiến sĩ đều tay súng lăm lăm tiến lên.
Hai ảnh vác cờ xung phong 3 và 4 là gạch nối của ảnh 2- Phất cờ trên đồi Him Lam và ảnh 5-Phất cờ trên nóc hầm De Casteris. Đây là chặng đường tiến bước của lá cờ từ ngày 13/3 đến ngày 7/5/1954. Cờ đi đến đâu, quân Pháp đổ rạp tới đó. Đúng là ngọn cờ thiêng của Tổ quốc.
Ảnh 5: Gần 70 năm nay, bức ảnh này được sử dụng nhiều nhất, nó trở thành biểu tượng của Điện Biên Phủ huy hoàng. Báo chí trong nước và báo chí nước ngoài hễ nói tới Điện Biên Phủ là người ta lại đưa nó ra cùng những lời binh luận tốt đẹp, cảm phục nhân dân Việt Nam anh hùng, cảm phục quân đội Việt Nam thiện chiến, cảm phục tài chiến lược chỉ đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cảm phục tài thao lược ứng phó linh hoạt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ảnh này cùng series 9 ảnh khác của Triệu Đại về Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đem lại cho ông Giải thưởng Nhà nước, năm 2001. Có lẽ chúng ta và tác giả hoặc chưa sưu tầm đủ, hoặc chưa cảm nhận hết giá trị lớn lao sự nghiệp nhiếp ảnh chiến tranh của Triệu Đại trong đó có bộ sử thi bằng ảnh phong phú, quý hiếm về Điện Biên Phủ. Thực ra, kho tàng ảnh chống ngoại xâm vô giá của Triệu Đại dư tầm vóc đứng trong Giải thưởng Hồ Chí Minh và ngang vai với bất cứ nhà nhiếp ảnh chiến tranh vĩ đại nào trên thế giới cùng thời với ông. Triệu Đại xứng đáng như vậy. Chúng tôi nghĩ, những người đồng nghiệp chân chính, những người am hiểu về nhiếp ảnh, chắc chắn không ai ghen tị với ông.