Những ngày sinh nhật Bác ở Thủ đô gió ngàn

09:48, 18/05/2021

(TN) - Sinh thời, với cương vị là Chủ tịch nước, là lãnh tụ của Đảng, nhưng mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn từ chối những lễ nghi phiền phức, Bác thường dặn trước các cơ quan là không nên tổ chức linh đình vì Người sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân trong lúc đời sống và cuộc kháng chiến của quân dân ta còn nhiều khó khăn, gian khổ. 

Vào sinh nhật Bác 19/5/1948, các cán bộ văn phòng và bảo vệ đến chúc thọ Bác trên tay cầm bó hoa rừng và lời chúc “Chúng cháu kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu…”. Bác rất xúc động: “Cảm ơn tấm lòng các chú dành cho Bác, lời chúc thì Bác nhận còn bó hoa này các chú đem ra mộ chú Lộc thắp hương cho chú ấy dùm Bác”. Bác đã dành buổi gặp gỡ hôm đó để nói về đồng chí Phạm Văn Lộc mới hy sinh vì căn bệnh sốt rét, với những phẩm chất cao quý là tấm gương rất đáng để học tập: “Trong lúc khó khăn gian khổ làm việc không chút nề hà, đến lúc nước nhà được độc lập cũng không mảy may đòi hưởng thụ... Đồng chí đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc”. Thư ký Vũ Kỳ có kể lại: “Bác Hồ thương anh Lộc lắm, Bác Hồ có nói anh Lộc là người sinh ra tôi lần thứ hai”. Bác Hồ và đồng chí Vũ Kỳ cùng các cán bộ trong Phủ Chủ tịch đã khâm liệm và an táng đồng chí Phạm Văn Lộc bên con suối cạnh bìa rừng bản Khuôn Tát. 
 
Ngày 19/5/1948: Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã gửi thư chúc mừng nhân Ngày sinh nhật Bác. Đáp lại những lời chúc mừng, Bác viết thư cảm ơn, có đoạn: "Đồng bào yêu mến chúc thọ tôi, tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lại lòng thân ái ấy! Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực, chịu khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn…".
 
Ngày 19/5/1949, Bác không muốn tổ chức lễ mừng sinh nhật của mình, và lại lúc này tình hình chiến sự đang ác liệt. Vì thế để trả lời một số cán bộ đề nghị tổ chức sinh nhật mình, trước ngày 19/5, Bác đã làm bài thơ “Không đề”:
 
“Vì Nước nên chưa nghĩ đến nhà
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già
Chờ cho kháng chiến thành công đã
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”.
 
Trước ngày 19/5/1950, tại một cuộc họp cán bộ các cơ quan Trung ương ở An toàn khu, nhân cuộc họp nhiều đồng chí đến chúc mừng sinh nhật Bác, để cảm ơn và đáp lại lời chúc thọ của mọi người, Bác đã làm bài thơ:
 
“Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe
Trần mà như thế kém gì tiên”.
 
Ngày 19/5/1950, Người đến thăm và kiểm tra công việc sản xuất đạn dược, vũ khí tại Nhà máy Quân giới K77, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa. Từ sáng sớm, Người đi ngựa, mặc áo bộ đội, đội mũ trắng vàng rộng, khăn chùm bộ râu, đi cùng đồng chí Nguyễn Văn Xuân, cán bộ lãnh đạo của Cục Quân giới và 5 người nữa. Khi đến nhà máy Bác bắt tay thăm hỏi cán bộ, công nhân viên, kiểm tra công việc sản xuất, khen công nhân lao động sản xuất hăng say, tiết kiệm và dặn dò công nhân phải giữ gìn, lau chùi máy móc sạch sẽ. Người đến chỗ ăn, ở của công nhân, xem nhà bếp, trạm xá, trên đường đi gặp mọi người thịt bò ở bờ suối, Người hỏi: “Hôm nay là ngày Tổng phản công à mà các chú mổ bò đánh chén?”. Mọi người trả lời: “Hôm nay chúng cháu ăn mừng sinh nhật Bác, mời Bác dự ạ”. Bác cười! Sau khi làm việc với lãnh đạo Xưởng, kiểm tra công việc sản xuất Bác dự bữa cơm cùng cán bộ, chiến sĩ; đến bữa cơm Bác cho gọi những người đạt thành tích cao trong thi đua ngồi cùng mâm với Bác. Sự kiện Bác Hồ đến thăm là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với cán bộ, công nhân viên Xưởng Đội Cấn và ngành Quân giới Việt Nam, quyết tâm sản xuất lựu đạn, mìn, sửa chữa, sản xuất vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.
 
Ngày 19/5/1951: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận... đến chúc thọ Người. Sau đó Người tiếp các nhà báo, trả lời về chính sách của Chính phủ, về quan hệ Quốc tế và vấn đề hòa bình thế giới. Cùng ngày Người gửi thư cho Anbe Clavie, hạ sĩ quan Pháp đã chạy sang hàng ngũ của ta, Người cảm ơn Anbe vì những lời chúc thọ nhân ngày sinh nhật và vì những đóng góp của Anbe vào phong trào mua công trái của Chính phủ Việt Nam. Trong ngày, Người ký Quyết định số 25/QĐ ân xá cho 2 phạm binh và ân giảm hạn tù cho 16 phạm binh khác.
 
Ngày 19/5/1952, với bút danh C.B, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Giặc Pháp phản Đức chúa” đăng báo Nhân Dân số 58 ra ngày 19/5/1952, tố cáo tội ác của Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và giết hại những người dân lương, giáo vô tội.
 
Đúng ngày 19/5, Bác thường đi làm việc, thăm hỏi một nơi khác để tránh những nghi lễ phiền phức tốn kém. 
 
Ngày 19/5/1953, Bác thăm các cháu lớp mẫu giáo nhỏ tuổi, con em của các đồng chí cán bộ các cơ quan Trung ương; Bác nhắc các cô giáo phải cố gắng nuôi dạy các cháu cho chu đáo; Bác còn chụp ảnh chung với cô giáo và các cháu. Trước đó Bác làm bài thơ đọc và gửi đến mọi người, với nhan đề: “Sáu mươi ba tuổi”:
 
“Chưa năm mươi đã kêu già
Sáu ba mình vẫn nghĩ là đương trai
Sống quen thanh đạm nhẹ người
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung”.
 
Qua mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật của Bác, chúng ta đều thấy một sự giản dị, khiêm tốn đến cao thượng. Những năm sau đó cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình, vì Bác sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân còn khó khăn, gian khổ… Đó là bài học quý giá cho mỗi chúng ta trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào của đất nước, là dịp để chúng ta soi vào tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Bác, học tập đức tính khiêm tốn, giản dị, mẫu mực của Bác.