Nơi quyết định làm nên huyền thoại Điện Biên Phủ

09:41, 07/05/2021

Trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình (Định Hóa), từ Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếng chuông ngân lên, từng hồi dài vọng vào đại ngàn Việt Bắc; vọng về thẳm sâu ký ức bao người. Gợi niềm nhớ anh linh vị cha già dân tộc - Hồ Chí Minh. Tại đồi Tỉn Keo, trong mái lán đơn sơ, Người cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã quyết định làm nên một huyền thoại Điện Biên Phủ: “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chấm dứt vĩnh viễn sự đô hộ, bóc lột của thực dân Pháp tại Việt Nam và các nước trên bán đảo Đông Dương.

“Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ”, mà đỉnh điểm là “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân dân Việt Nam được kết thúc bằng tiếng nổ ngàn cân tại Đồi A1. Tiếng nổ oai hùng như sấm gầm vang rền một vùng trời Tây Bắc. Khẳng định ý chí kiên cường của một dân tộc không chịu cúi đầu trước cường quyền bom đạn thực dân. Từ Tây Bắc, lời chiến thắng vọng về Thủ đô gió ngàn Việt Bắc, làm nên khúc hoan ca khải hoàn, đi vào sử xanh, hòa bình được lập lại.
 
Thiêng liêng lắm, mái lán Tỉn Keo - nơi quyết định một huyền thoại Việt Nam, đồng thời là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc. Ngoài thông qua quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, mái lán Tỉn Keo còn là nơi Người soạn thảo và ký nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có: Thư gửi Hội nghị Quân y lần thứ sáu; Lời tuyên bố sau khi Pháp thành lập chính phủ bù nhìn, tay sai tại Hà Nội; Lời kêu gọi Thi đua ái quốc; Sắc lệnh thành lập Hội đồng quốc phòng tối cao; Quy định tổ chức mới của Bộ Tổng Tư lệnh quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam; Thành lập Đảng uỷ Mặt trận và Bộ Chỉ huy chiến dịch Biên giới.
 
Ngày đất nước kháng chiến đã khép lại thành quá khứ, nhưng những dấu mốc lịch sử, những câu chuyện của một thời máu lửa không bao giờ phai mờ. Tất cả được chép lại trên dòng sử xanh đất nước; trên trang vở học trò. Vâng! Đồi Tỉn Keo còn đó một mái lán đơn sơ, lặng lẽ như một chứng nhân lịch sử. Cho mỗi ngày bao con cháu trên mọi miền Tổ quốc hội về, lắng nghe câu chuyện “chùa rách, bụt vàng”, về những ngày Người sống, làm việc trong lòng dân Định Hóa… Dưới các tầng lá chở che, mái lán Tỉn Keo trở nên bình yên, song đó là nơi ở của một con người vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Cảm nhận như ở đây, một tiếng lá reo cũng gợi lên trong lòng người câu chuyện xúc động. Hết sức hào sảng khi nghe nữ hướng dẫn viên Ban Quản lý Di tích dẫn chuyện, gợi niềm tự hào về một chiến dịch “chị gánh, anh thồ”, mà tướng bốn sao Hăngri Nava, viên tướng thứ bẩy của thực dân Pháp đến Việt Nam để nhận chức Tổng Tư lệnh vào tháng 5-1953. Sở hữu một đội quân tinh nhuệ được trang bị nhiều loại vũ khí hạng nặng, trên trời có máy bay, dưới đất có xe tăng, lô cốt. Nhưng chỉ 1 năm sau đó, ngày 7/5/1954, Hăngri Nava cũng như viên tướng pháp De Castries trở thành bại tướng của quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Vẫn mái lán đơn sơ, mà qua lời dẫn chuyện của nữ hướng dẫn viên, bao câu chuyện chính sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, Trung ương Đảng được tái hiện, sinh động, hấp dẫn như từng thước phim hiển hiện lên trước mặt. Máu lửa, hy sinh và lòng quyết tâm sục sôi khí thế ngút trời. Từ Thủ đô gió ngàn Việt Bắc, đã có bao người con ưu tú lên đường, tuổi mười tám, đôi mươi hóa thân thành hồn thiêng sông núi.
 
Chợt từ đâu đó một ngọn gió lạc rừng, ùa về làm dịu lại không khí oi nồng của tiết trời tháng Năm. Đứng dưới hiên mái lán, nhìn hết một thoải dốc dài lại sừng sững núi non trùng điệp, muôn cây bao phủ, lá đua chen như lòng người trở che bảo vệ. Rồi gần đó một dòng suối mát lành như lòng dân thủy chung với cách mạng. Và cảm nhận hơi thở ngưng lại nơi lồng ngực, nước mắt chực trào khi nhận thấy ngay trước mắt mình một vầng râm bụt Bác trồng năm xưa. Hơn 70 năm cây vẫn còn đó, lặng lẽ như cùng Người lưu giữ một nỗi đau. Đó là cái đau chung của người dân mất nước. Nguyễn Sinh Xin, em trai của Bác vì khát sữa mẹ mà qua đời. Với Bác Hồ, cây râm bụt là loại hoa gắn liền với tuổi thơ và quê hương Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Bác tâm niệm: “Nhìn bờ râm bụt nhớ mẹ cha, nhìn ngọn cây đa nhớ làng xóm”. Vì lẽ ấy mà đi đến đâu, Bác thường trồng cây râm bụt bên mái lán mình ở.
 
Một mái lán đơn sơ, một vầng hoa râm bụt Bác trồng trở thành hiện thân của lịch sử, là nơi tìm về nguồn cội của con dân đất Việt. Ngàn đời và mãi mãi, mấy mươi bậc lên xuống mái lán, là mấy mươi cung bậc cuộc đời mang ý nghĩa vì nước, vì dân, vì hòa bình, độc lập dân tộc. Chúng ta, các thế hệ cháu con được sống trong hòa bình, đất nước hội nhập, phát triển, nhất là ở thời đại công nghiệp 4.0, thời đại của công nghệ thông tin, thời đại của số hóa, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, hoặc máy vi tính có thế nắm bắt được mọi thông tin cần thiết. Chúng ta - những con cháu Bác Hồ, ai cũng mong muốn trong đời được một lần về làng Sen Kim Liên; được về Thủ đô Hà Nội viếng Lăng Bác; rồi được một lần ngược đường về Thủ đô gió ngàn Việt Bắc, thăm mái lán Tỉn Keo. Thả hồn mình vào một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có rừng, có suối, có tiếng tính tẩu nền nảy, tiếng chuông ngân vọng vào hồn thiêng sông núi, nhắc nhớ cháu con muôn đời. Vâng! Mái lán Tỉn Keo, nơi quyết định làm nên một huyền thoại Điện Biên Phủ của Việt Nam.