Tôi có cơ duyên gặp gỡ với GS TS. Hoàng Chí Bảo - nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương - vào đúng thời điểm cả nước đang hối hả chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Với giọng nói truyền cảm cùng những câu chuyện đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS TS. Hoàng Chí Bảo đã giúp tôi thấm thía hơn về những khoảnh khắc không thể quên của lịch sử nước nhà.
Nhắc tới Quốc hội khoá I - cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - giọng GS TS. Hoàng Chí Bảo chùng xuống: Khi ấy, đất nước mới độc lập, nhân dân Nam bộ chưa một ngày hoà bình, đất nước đang bị đe doạ bởi thù trong giặc ngoài, ngân khố Quốc gia rỗng tuếch (cả nước còn được hơn 1 triệu đồng bạc Đông Dương rách nát không tiêu được). Di sản đế quốc để lại sau 80 năm đô hộ là hơn 2 triệu người chết đói, 95% dân số mù chữ, lũ lụt, dịch bệnh hoành hành khắp nơi…
Tuy nhiên, xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của Tổng tuyển cử nên Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền non trẻ khi ấy đã quyết tâm chuẩn bị tổ chức Tổng tuyển cử toàn quốc ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Với sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân và các thành phần trong xã hội, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã được thực hiện dân chủ, thắng lợi với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 89%. 333 người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá I, gồm đủ các thành phần: Trí thức, tôn giáo, tư sản, người dân tộc thiểu số và rất đông thanh niên, phụ nữ… Thành công của cuộc bầu cử chính là căn cứ quan trọng để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ, tiến tới giải quyết quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Bầu cử thành công là cả một nỗ lực lớn, nhưng đến khi tổ chức Kỳ họp Quốc hội thứ nhất (ngày 2/3/1946), chúng ta lại tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn” – GS TS. Hoàng Chí Bảo tiếp chuyện: Hơn 300 đại biểu từ khắp nơi trên cả nước về Nhà hát lớn (Hà Nội) để họp mà khi đó Hà Nội không có nhà nghỉ, khách sạn. Giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp đứng ra kêu gọi các nhà tư sản giàu có đón đại biểu Quốc hội về nhà riêng, bố trí ăn ở, cung cấp tiền sinh hoạt phí trong thời gian đại biểu họp Quốc hội. “Đại biểu của dân, dân đón về nuôi – Chính phủ của toàn dân là như thế” – GS TS. Hoàng Chí Bảo tâm đắc.
Không những thế, Bác còn chọn vị đại biểu cao tuổi nhất - cụ Ngô Tử Hạ - một người theo đạo thiên chúa, nhà tư sản yêu nước - chủ một nhà in lớn ở Ninh Bình - tham gia kêu gọi quốc dân, đồng bào ủng hộ cho Chính phủ, Quốc hội. Sáng ngày 2/3/1946, người dân dọc 2 bên phố Tràng Tiền (đối diện Nhà hát lớn) - khi ấy đã vô cùng ấn tượng với hình ảnh cụ ông đội khăn xếp, áo the, kéo chiếc xe bò đi dọc phố kêu gọi “quốc dân, đồng bào tuỳ tâm ủng hộ Chính phủ, ủng hộ Quốc hội. Ai có gì ủng hộ nấy”. Người nắm đỗ, người nắm lạc, người vài kg gạo…chả mấy đã chất đầy xe bò. Khi các thanh niên giúp cụ Ngô Tử Hạ kéo xe bò về đỗ ở cửa Nhà hát lớn - ngay trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ I của Quốc hội khoá I - đích thân Bác đã ra xem. Nhìn chiếc xe bò chất đầy gạo, ngô, lạc, đỗ, Người cười bảo: “Đây mới là gạo đại đoàn kết toàn dân...”.
Với 12 kỳ họp, Quốc hội khóa I (nhiệm kỳ 1946-1960) đã xem xét và thông qua 2 bản Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, 16 đạo luật, 50 nghị quyết. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng góp dấu ấn nổi bật trong việc cho ra đời bản Hiến pháp năm 1946. Về mặt văn bản pháp luật, Hiến pháp năm 1946 là hiến pháp mở đầu nhưng đây là bản hiến pháp rất hiện đại - là mốc son chói lọi trong lịch sử hiến pháp của Việt Nam. Cụ thể theo Bác, dân là gốc của nước, dân là chủ, mọi việc quan trọng nhất của Quốc gia mà Quốc hội điều hành phải đưa ra cho toàn dân phán quyết, lấy ý kiến của dân. Chính vì vậy “mọi công việc trọng đại của Quốc gia phải đưa ra cho toàn dân phúc quyết (trưng cầu dân ý)”. “Đại biểu Quốc hội là đại biểu của dân thì phải thấu hiểu tâm tư nguyện vọng, đề nghị của dân để đưa ra cho Quốc hội thảo luận, phục vụ tốt nhất mong mỏi của nhân dân”.
“Đây chính là tư tưởng “trọng dân, trọng pháp” của một nhà quản lý xuất sắc. Tiếc là đến nay, sau khi có Hiến pháp 2013, Quốc hội mới thông qua Luật Trưng cầu dân ý chứ chưa thực hiện trong đời sống” – GS TS. Hoàng Chí Bảo trầm ngâm.
GS TS. Hoàng Chí Bảo đã có hơn 40 năm nghiên cứu về Bác Hồ và gần 30 năm đi nói chuyện về Bác
Theo GS TS. Hoàng Chí Bảo, không chỉ có tư tưởng lớn, vượt thời đại, ngay cả trong những việc nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho thấy tinh thần trách nhiệm, cũng như ý thức tuân thủ pháp luật của Người. Liên quan đến việc đi bầu cử Quốc hội, GS TS. Hoàng Chí Bảo nhắc lại câu chuyện: Khi Bác là đại biểu Quốc hội - người dân Hà Nội ngưỡng mộ Bác nên có viết thư tập thể gửi Bác: “Xin Chủ tịch đừng đi ứng cử ở nơi nào, nhân dân Hà Nội sẽ tôn Chủ tịch làm Chủ tịch suốt đời”. Nhận được thư, Bác đã viết thư hồi âm. Trong thư Bác viết: “Cảm ơn tấm lòng của đồng bào, nhưng đã có luật bầu cử không thể như thế được, tôi đã ứng cử ở nơi này thì không thể ứng cử nơi khác. Mong đồng bào thông cảm”.
Ngày đi bỏ phiếu, các chiến sĩ đi bảo vệ Bác gạt các cử tri khác sang hai bên để Bác vào bỏ phiếu trước, lập tức Bác phê bình: “Bác đến sau thì Bác đợi, mời các cụ cao tuổi đến trước bỏ phiếu trước”. Đến lượt Bác bỏ phiếu, mấy chú bảo vệ lại theo vào phòng bỏ phiếu để bảo vệ bác, Bác mời ra và bảo: “Các chú ra đi, các chú vào đây là phạm luật đấy. Hay các chú muốn vào để “gà” cho Bác? Đưa danh sách ứng cử viên ra đây để Bác nghiên cứu, bầu ai, bỏ ai là quyền của Bác”…
* * *
Từ sau cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên - đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam – đến nay Việt Nam đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV với rất nhiều quyết tâm, kỳ vọng. Bối cảnh, thời thế, vị thế đất nước cũng như tình hình trong nước và quốc tế giờ đây đã có nhiều thay đổi, nhưng qua những câu chuyện mà GS TS. Hoàng Chí Bảo nhắc lại, càng thấy rõ hơn về tầm nhìn xa, rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tinh thần “trọng dân, trọng pháp” khi lựa chọn đại biểu Quốc hội cũng như xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.