Anh: PGS,TS Vũ Duy Thông vừa rời dương thế vào buổi chiều một ngày nóng nực, 28-5 vừa rồi ở tuổi 77 trong niềm tiếc thương của đồng môn, đồng nghiệp, độc giả, vì anh là nhà báo, nhà thơ. Anh là sinh viên khoá 8 của Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, làm báo chiến trường, PhóTổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ, Vụ trưởng Vụ báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương… Anh cho xuất bản 10 tập thơ,10 tập truyện cho thiếu nhi… Thương nhớ anh, ký ức về những năm tháng anh sát cánh chia sẻ, chỉ đạo Báo Đảng địa phương chúng tôi lại trở về…
Ở Vụ Báo chí - Xuất bản, thời các nhà báo Lưu Quý Kỳ, Phan Quang… thế hệ chúng tôi còn chưa được tiếp xúc và làm việc. Đất nước đổi mới và mở cửa, báo chí cũng phát triển, thành thử tần suất họp hành, qua lại giữa cơ quan quản lý báo chí Trung ương và các tờ báo Đảng địa phương mau mắn hơn.
Vụ Báo chí - Xuất bản làm việc trên tầng 2 của toà nhà vốn là lớp học của Trường Ampesaro có từ thời Pháp ở số 10 Nguyễn Cảnh Chân nên cũng rộng rãi. Mỗi lần có việc về báo cáo, anh Thông thân mật và gần gũi, hỏi han,giải quyết công việc nhanh chóng thuận lợi, anh thường nói “để anh em còn về”. Từ anh Thông lan toả phong cách làm việc đến Vụ phó dầy dạn vốn sống địa phương Quế Liêm, các cộng sự Doãn Thị Thuận, Mai Y Vân, Thu Thuỷ… đều ấm áp nhiệt thành và tình cảm. Nhờ các anh mà có hai nội dung lớn được thực hiện tốt, bài bản đã nâng tầm khối báo Đảng địa phương chúng tôi. Nội dung thứ nhất đó là nhận xét báo hằng tuần do Vụ soạn và gửi tới cấp uỷ, tuyên giáo tỉnh, thành. Do chúng tôi đề xuất, anh Thông, anh Liêm cử hẳn cán bộ theo dõi báo địa phương. Mấy dòng khen ngợi cách tổ chức tuyên truyền, điều tra,mở chuyên mục… hay nhắc nhở, phê bình một vài bài báo được đưa vào báo cáo tuần làm cho không khí làm báo sôi động và hiệu quả hẳn lên. Gọi là báo địa phương chứ Sài Gòn Giải phóng, Hà Nội Mới, Hải Phòng, Cần Thơ… cũng có vị trí lắm…
Chuyện thứ hai là hội thảo Báo Đảng địa Phương. Trước năm 1986, việc hội thảo chia sẻ kinh nghiêm giữa báo Đảng… không có. Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phú Nguyễn Uyển khởi xướng việc này bằng cách cho mời hầu hết đại diện lãnh đạo 26 báo Đảng địa phương miền Bắc về xã Thổ Tang huyện Vĩnh Tường, ăn cơm với dân, tá túc nhà dân, trao đổi, tìm hiểu cách làm ăn, bứt phá…
Sau đó thành nếp mỗi năm hai lần tổ chức hội thảo báo Đảng địa phương Khu vực miền Bắc, Miền trung Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long… Rồi các cụm như khu vực miền núi phía Bắc cũng có những cuộc hội thảo theo đặc thù. Trong những năm tháng đó, mỗi lần đăng cai hội thảo, lo lắng nhất là nội dung của cuộc hội thảo. Anh Thông, anh Quế Liêm cùng các cộng sự lại ra tay giúp đỡ, góp ý nên hầu hết nội dung các cuộc hội thảo đều đúng, trúng và chất lượng…
Một nhà thơ, nhà báo, cán bộ tư tưởng, đi nhiều, trải nghiệm sâu sắc, hiền hậu, chân thành…Quy luật tạo hoá mà anh Thông ơi! Anh chẳng viết mà “Con ve khô vỏ vườn già / Đầm sen gắng nở nụ hoa cuối cùng”. Anh bay đi nhé như anh nói ấy “Bởi tôi đã có phút giây /Từng theo đàn sếu xoải bay trong mù”.