Báo chí xung kích chống tiêu cực

08:31, 15/06/2021

96 năm qua, báo chí cách mạng đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng và nhân dân ta, nhất là trên mặt trận tư tưởng, lý luận chính trị. Báo chí luôn tích cực cổ vũ những nhân tố mới, tiến bộ; đồng thời kiên quyết đấu tranh, phê phán các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, góp phần xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...

“Binh chủng” đặc biệt 
 
Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, hệ thống báo chí cả nước đã kiên trì bảo vệ đường lối đổi mới của Đảng, giữ vững định hướng chính trị, thực hiện nghiêm tôn chỉ, mục đích của báo Đảng, thông tin kịp thời về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện và nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến gắn liền với phòng, chống tham nhũng (PCTN) lãng phí; đấu tranh, phê phán những quan điểm, nhận thức sai trái, những biểu hiện tiêu cực, trì trệ, góp phần kiến nghị bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
 
Để chống tiêu cực, sau khi được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), đồng chí Nguyễn Văn Linh nghĩ về “binh chủng” đặc biệt quan trọng trong công tác tư tưởng là báo chí. Không phải chỉ suy nghĩ và chỉ đạo chống tiêu cực mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đi tiên phong trong trận chiến này. Ngày 25/5/1987, Báo Nhân dân đăng trên trang nhất bài viết với hàng tít đậm "Những việc cần làm ngay", của tác giả N.V.L. Từ thông điệp quan trọng này, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống báo chí, các cơ quan truyền thông đã giúp cho quần chúng biết và hiểu nghị quyết của Đảng, đấu tranh chống những kẻ tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trong nhân dân... 
Mới đây, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “...tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong khi đó, các thế lực xấu, thù địch lại luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, chống phá, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" nhằm xóa bỏ CNXH ở Việt Nam”.  
 
Xác định đấu tranh PCTN là đề tài chuyên sâu, phức tạp liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, báo chí Việt Nam đã bám sát thực tế việc triển khai nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương và việc thực hiện PCTN ở các địa phương. Các cơ quan báo chí, với đội ngũ nhà báo, cộng tác viên là các chiến sĩ trên mặt trận ấy đã bám sát địa bàn, chuyên ngành, luôn theo dõi các vụ việc và tuyên truyền kịp thời kết quả PCTN, lãng phí của các ban, bộ, ngành, doanh nghiệp, các địa phương và cả nước.                      
 
Từ những kết quả quan trọng   
 
Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền PCTN thời gian qua đã tập trung nêu bật những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về PCTN. Báo chí đã bám sát tuyên truyền kịp thời công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; những vụ án trọng điểm do Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo cùng kết quả cụ thể được dư luận xã hội quan tâm. Báo chí nước nhà cũng tập trung tổng hợp, phân tích, rút ra bài học từ thực tiễn để định hướng dư luận, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo góp phần, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về kết quả công tác đấu tranh PCTN của Đảng. 
Phóng viên Báo Thái Nguyên tác nghiệp trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23/5/2021).Phóng viên Báo Thái Nguyên tác nghiệp trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23/5/2021).
 
Thông qua sự vào cuộc, tuyên truyền của hệ thống báo chí nước nhà về công tác PCTN, cho thấy đó là sự kế thừa, tiếp nối quá trình đấu tranh kiên trì, liên tục, bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước nhân dân ta trong đấu tranh PCTN. Giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc PCTN, việc xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm “chậm lại” sự phát triển mà là cơ hội để làm trong sạch bộ máy, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của bộ máy và đội ngũ cán bộ, thúc đẩy sự phát triển đất nước; mặt khác là về tầm quan trọng cũng như những khó khăn của cuộc đấu tranh PCTN.
 
Tuy nhiên, cần thấy rằng một số cơ quan báo chí tính chủ động, tham gia phát hiện đối với một số vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng  để tham gia đấu tranh “ngăn chặn” còn hạn chế; chưa tích cực tuyên truyền phản ánh thực trạng, phân tích sâu các kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn và các giải pháp trong một số vụ án lớn, trọng điểm để phản ánh kịp thời với cộng đồng về PCTN; còn không ít những nhà báo, bài báo thông tin thiếu chân thực, có động cơ sai trái trong tuyên truyền PCTN; chưa tập trung nêu những tấm gương về PCTN và việc bảo vệ cá nhân, nhân tố mới trong PCTN...
 
Quyết tâm, quyết liệt và hiệu quả hơn  
 
Yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tại Hội nghị toàn quốc tổng kết về công tác PCTN giai đoạn 2013-2020 là: Phải tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt, kiên trì, liên tục với quyết tâm cao và hiệu quả hơn, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, công tác đấu tranh PCTN đã đạt được những kết quả rất quan trọng. 
 
Thiết nghĩ, thời gian tới, báo chí nước nhà tham gia vào công tác tuyên truyền, giáo dục đấu tranh PCTN cần tiếp tục tập trung quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng và Nhà nước về PCTN; về sự nguy hại của tham nhũng, lãng phí… Tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn xã hội về PCTN; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về kết quả đạt được của công tác PCTN cũng như những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tạo không khí tích cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và quyết tâm PCTN của Đảng ta. Song song với đó, đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc, các quan điểm sai trái, các luận điệu lợi dụng PCTN để kích động, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ .
 
Cần tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền về PCTN của các cơ quan có trách nhiệm; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, định hướng, nhất là với các cơ quan báo chí. Đội ngũ những người làm báo cần không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức, nâng cao kỹ năng làm báo ngày càng chuyên nghiệp hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin trong kỷ nguyên số, để có nhiều hơn nữa những tác phẩm báo chí có giá trị cao trong lĩnh vực PCTN, xứng đáng là người lính tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Ðảng. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, sự phối hợp giữa các cấp, ngành tiếp tục tạo “hành lang” và “môi trường”, phát huy hơn nữa vai trò báo chí trên mặt trận này là vô cùng quan trọng...