Nhân bài viết được đăng tải mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, một số chuyên gia Nga đã đưa ra đánh giá về công cuộc đổi mới và mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Moskva, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu Á-Âu Grigory Trofimchuk cho rằng 35 năm là một quãng thời gian đủ để đưa ra những kết quả thực hiện công cuộc đổi mới cho đến thời điểm này. Tiến hành đổi mới là quyết định mang tính lịch sử để phát triển đất nước và đưa nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn. Trong bối cảnh kế hoạch “cải tổ” ở Liên Xô đã kết thúc thất bại, chính sách “Đổi mới” ở Việt Nam lại càng cho thấy tính hiệu quả cao. Chuyên gia Nga cho rằng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chính là tấm lá chắn đối với Việt Nam, nhờ đó đất nước và nhân dân Việt Nam có được bức tranh kinh tế - xã hội tươi sáng như vậy. Chủ nghĩa xã hội dựa trên tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra con đường đúng đắn cho Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu Á-Âu Grigory Trofimchuk trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Hồng Quân-P.V TTXVN tại Nga
Theo chuyên gia Nga, Việt Nam đang có cơ hội phát triển đất nước, đồng thời nâng cao đời sống của người dân và của từng gia đình. Ở Việt Nam, hai thành tố này luôn đi song hành và thúc đẩy lẫn nhau, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh phải làm sao để người dân trở nên giàu có và nền kinh tế phát triển tốt.
Nói về thành quả trên lĩnh vực đối ngoại mà nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mang lại cho Việt Nam, chuyên gia Grigory Trofimchuk khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong nhiều năm qua liên tục gia tăng. Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và hoạt động tích cực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính một phần nhờ sự năng động của Việt Nam mà người Nga biết nhiều hơn đến ASEAN. Hoạt động của Việt Nam trong vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được cộng đồng quốc tế quan tâm theo dõi. Việt Nam cũng đang hoạt động rất tích cực theo hướng đảm bảo an ninh lương thực vốn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với toàn thế giới.
Chuyên gia Nga nói: “Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh uy tín gia tăng như thế này, giới chuyên gia và các nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam nên nói nhiều hơn về những lợi thế của nền kinh tế dựa trên các phương pháp của chủ nghĩa xã hội kết hợp với cơ chế thị trường, bởi nhiều quốc gia cần những kinh nghiệm hay như vậy của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang bất ổn. Tôi nghĩ rằng các chuyên gia Nga cũng cần hoạt động tích cực hơn để tìm hiểu vì sao Việt Nam có thể đạt được hiệu quả cao như vậy. Chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm với nhau".
Tiến sĩ Evgeny Vlasov, quyền Phó Hiệu trưởng phụ trách quan hệ quốc tế của Đại học Tổng hợp liên bang Viễn Đông (DVFU). Ảnh: Hồng Quân - P.V TTXVN tại Nga
Về phần mình, Tiến sĩ Evgeny Vlasov, quyền Phó Hiệu trưởng phụ trách quan hệ quốc tế của Đại học Tổng hợp liên bang Viễn Đông (DVFU) cho rằng lịch sử Việt Nam gắn liền với cuộc đấu tranh không ngừng vì độc lập, tự do của đất nước, vì lợi ích của nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Theo Tiến sĩ Evgeny Vlasov, triết lý và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục là nguồn cảm hứng cho các nhà lãnh đạo Việt Nam ngày nay. Những vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nghĩ đến và nêu ra cho đến nay vẫn mang tính thực tiễn cao. Các nhà lãnh đạo Việt Nam rất sáng suốt trong việc vận dụng kinh nghiệm điều hành đất nước sao cho thích ứng với thực tế hiện nay. Tiến sĩ Vlasov nói: “Năm 1986 bắt đầu chính sách đổi mới đất nước. Đây là những cải cách rất nghiêm túc, ở giai đoạn đầu là cải cách kinh tế, bởi cần phải có một nền tảng kinh tế thật vững chắc để thực hiện đổi mới về chính trị”.
Theo Tiến sĩ Vlasov, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết đúc kết kinh nghiệm phát triển đất nước trước đây và kinh nghiệm hiện tại, xác định đường lối chính trị và tương lai đất nước. Đây là một tài liệu quan trọng mang tính định hướng và vẫn lấy nguồn cảm hứng từ tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác-Lênin và vấn đề xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Lãnh đạo trường Đại học Tổng hợp liên bang Viễn Đông cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang là biểu tượng của một giai đoạn mới, giai đoạn ba của chính sách “Đổi mới” và xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa, với trọng tâm là phát triển nền kinh tế, tìm hiểu kinh nghiệm cải cách tư bản chủ nghĩa, kinh nghiệm hội nhập quốc tế và hợp tác với cấu trúc khu vực của ASEAN và APEC. Tiến sĩ Vlasov tin tưởng rằng Việt Nam sẽ thực hiện thành công nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trở thành một quốc gia phát triển và người dân có mức thu nhập cao.