Cuộc hành trình vĩ đại của Bác

08:15, 04/06/2021

Đất nước đẹp vô cùng nhưng không có độc lập, tự do. Chế độ phong kiến lạc hậu, hủ bại và thực dân ngoại bang xâm lược đã đẩy dân tộc Việt Nam vào bần cùng, tăm tối. Phong trào khởi nghĩa của các sĩ phu yêu nước: Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Chinh… không có ngọn cờ và một đường lối cách mạng cũng không thể đi đến độc lập tự do. Và ngày 5/6/1911, từ Bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên đường đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Tầm nhìn xa của Bác về văn hóa và độc lập

Bác không Đông du như các bậc sĩ phu cha chú mà chọn phương Tây. Với tầm nhìn của Bác, phương Tây với sự phát triển khoa học tiên tiến mới có thể giúp thực hiện khát vọng và hoài bão của Người: Nước mạnh, dân giàu. Bác chọn điểm đến chính là Pháp, đất nước đang xâm lược dân tộc Việt và luôn rao giảng về tự do, bình đẳng, bác ái. Ý định này đã được Bác nung nấu từ lâu. Người muốn khám phá, khai thác văn minh nhân loại, khoa học, công nghệ vốn đã phát triển của thế giới tư bản và đằng sau đó là gì? Phải chăng là chính sách ngu dân, bóc lột với các nước thuộc địa. Bản lĩnh của Bác chính ở chỗ là dân một nước thuộc địa lại hướng tới phương Tây để làm quen với văn hóa và văn minh của chính nơi đó. Và, chính những gì là văn minh mà các nước phát triển tạo ra là vốn của chung nhân loại.

Hơn 20 năm bôn ba nước ngoài, chủ yếu ở Pháp, Nga và một số nước châu Âu, Người đã nghiên cứu, tiếp thu nền văn minh nơi này một cách tỉ mỉ, công phu để sau này vận dụng vào cách mạng Việt Nam. Xin được viện dẫn vài ví dụ. Pa-ri, Thủ đô nước Pháp cũng đồng thời là trung tâm văn hóa, nghệ thuật của thế giới. Hầu hết các trào lưu triết học, các trường phái nghệ thuật có ở đây… Sống giữa nơi hội tụ các dòng văn hóa thế giới, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng chiếm lĩnh vốn tri thức của thời đại, đặc biệt là truyền thống văn hóa dân chủ và tiến bộ. Bác ở Pháp 6 năm, dùng khoảng thời gian đó để học tập, nghiên cứu, tham gia các hoạt động, kể cả tìm hiểu về quản lý hành chính, quản lý xã hội…

Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến Nga để tham gia các hoạt động của Quốc tế Cộng sản, rồi qua đó tìm hiểu văn hóa, đường lối phát triển của nhiều quốc gia châu Âu và cả Mỹ. Từ đó, Bác tiếp cận dần dần với Chủ nghĩa Mác - Lênin. Tiếp thu tinh hoa, lên án lỗi thời, lạc hậu, Bác mạch lạc trong đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Cách mạng tư sản đem lại cho nhân loại trên con đường tự do dân chủ và văn hóa. Người quan tâm đến những khẩu hiệu trong các cuộc cách mạng tư sản ở Anh, Pháp, Mỹ. Người rút ra 5 bài học mà Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 đã để lại, đó là: Dân chúng công nông là gốc của cách mạng; cách mạng thì phải tổ chức rất vững bền mới thành công; đàn bà, trẻ con cũng giúp làm việc cách mạng được nhiều; dân khí mạnh thì quân lính nào, vũ khí nào cũng không chống lại được; Cách mạng Pháp hy sinh nhiều người mà không sợ, ta muốn làm cách mạng thì cũng không nên sợ phải hy sinh… Những điều Bác thu hoạch được trong những năm tháng bôn ba ấy có giá trị to lớn trong việc vạch đường đi cho dân tộc sau này.

Người đi tìm hình của nước

Ngày 28/1/1941, sau 30 năm gian nan vất vả đi tìm cứu nước, Bác Hồ về đến cột mốc 108 biên giới Việt - Trung thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Người về đem theo Luận cương của Lênin về giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Còn 7 năm sau, ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa đại bản doanh của lãnh đạo Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về căn cứ tuyệt mật và ở đồi Khau Tý xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp lần 2 đằng đẵng 9 năm trời. Tác giả xâu chuỗi trong bài báo này một số sự kiện trong hành trình vĩ đại của Bác Hồ mà Thái Nguyên là một địa chỉ cần nhắc nhớ: Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước; ngày 28/1/1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh về Việt Bắc lãnh đạo Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, lập lên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chưa đầy 2 năm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Thái Nguyên, Việt Bắc, cho đến ngày 12/10/1954, từ Đại Từ, Người trở về Thủ đô Hà Nội…

Có hàng nghìn, hàng vạn trang sách, bài báo, thước phim đã mô tả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, xúc động, mến thương và tự hào. Nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) với “Người đi tìm hình của Nước” đã mô tả hành trình của một con người lớn lao đi tìm hình hài cho đất nước Việt Nam: “Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/Những đất tự do, những trời nô lệ/Những con đường cách mạng đang tìm đi…”. Rồi tác giả gợi nhớ về giờ phút trọng đại Người tiếp nhận Luận cương Lênin, không chỉ có ý nghĩa với cá nhân Người đã còn với cả số phận dân tộc. “Luận cương đến Bác Hồ và Người đã khóc/Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin…”. Và rồi: “Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc/Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!/Hình của Đảng lồng trong hình của nước/Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”. 

Vâng! Trong nỗi đau dân, nước nô lệ lầm than, “Trong khi quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê”…, có một người yêu nước lặng lẽ đi tìm một dáng hình đất nước, một chế độ mà ở đó phải là độc lập, tự do, bình đẳng. Bác Hồ của chúng ta đã tìm thấy và chúng ta đã, đang xây dựng một cuộc sống như mong muốn của Người. Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, biết ơn Người, chúng ta nguyện cùng nhau thực hiện thật tốt lời dạy của Bác.