Sau Chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Thực hiện chỉ thị này, nhân kỷ niệm 1.000 ngày - Ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23/9/1945, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực, như: Tuần lễ vàng, Bình dân học vụ, vận động “Đời sống mới”, Quỹ Độc lập, Quỹ đảm phụ Quốc phòng... thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi lứa tuổi, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào: Sóng Duyên hải, Gió Đại Phong, Cờ Ba nhất, Trống Bắc Lý, Thanh niên ba sẵn sàng, Phụ nữ ba đảm đang, Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược... được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị phát động, đạt hiệu quả thiết thực tạo nên động lực to lớn, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách về thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT), triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và công tác TĐKT, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt là, trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác TĐKT, về tổ chức các phong trào thi đua yêu nước đã được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành ban hành và không ngừng bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước trong tình hình mới, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Công tác phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng và nhân rộng các gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các anh hùng, chiến sĩ thi đua được chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội. Qua đó, động viên được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, trở thành động lực to lớn, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước.
Trong 5 năm trở lại đây, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, quan điểm của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước và công tác TĐKT, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, phong trào Thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động, gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện các phong trào thi đua với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kịp thời biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, gương điển hình tiên tiến ở các ngành, các cấp, các lĩnh vực; cổ vũ tinh thần yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị nỗ lực phấn đấu, thi đua vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các nhiệm vụ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, tạo những dấu ấn nổi bật. Thông qua công tác TĐKT góp phần đưa kinh tế đất nước ổn định, tăng trưởng cao; sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng lên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả rõ rệt. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu. Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đặc biệt, trước tác động của đại dịch COVID-19, gây ra nhiều thiệt hại về KT-XH và sự phát triển của đất nước; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đồng sức, đồng lòng, quyết tâm thi đua, từng bước kiểm soát dịch bệnh, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh; ổn định đời sống, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.
Thời gian tới, để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác TĐKT; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức công tác TĐKT, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng, chỉ huy các cơ quan, đơn vị. Công tác TĐKT phải hướng đến, làm cho mỗi tổ chức, cá nhân phải luôn kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước. Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Cùng với đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến; khắc phục bệnh thành tích, tính hình thức trong TĐKT.