Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu tiếp sức, tạo cơ hội tốt nhất để phụ nữ vươn lên khẳng định vị trí của mình trong gia đình, xã hội, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phú Bình đã tích cực hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, tiếp cận các nguồn vốn, xây dựng mô hình kinh tế.
Chúng tôi đến thăm xưởng may của gia đình chị Nguyễn Thị Xuyến, sinh năm 1985, ở xóm Ngoài, xã Tân Đức (Phú Bình), là một trong những mô hình phụ nữ phát triển kinh tế giỏi tại địa phương. Chị Xuyến cho biết: Trước đây, tôi làm công nhân may nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên về quê từ năm 2016. Có sẵn nghề trong tay nhưng vì ít vốn nên tôi chỉ mở một tiệm may nhỏ tại nhà với 3 máy may. Năm 2019, tôi đề xuất ý tưởng mở 1 xưởng may gia công tại nhà và được Hội LHPN huyện hỗ trợ 4 triệu đồng, được Hội LHPN xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, tôi vay 100 triệu đồng mua thêm 10 máy may. Đến nay, xưởng may của tôi có 16 máy, tạo việc làm cho 10 chị em phụ nữ địa phương với thu nhập từ 4-7 triệu đồng/người.
Cùng với hỗ trợ vốn vay, hội LHPN các cấp còn tạo điều kiện cho tôi tham gia các chương trình tập huấn kiến thức, tham quan mô hình kinh tế của các chị em hội viên phụ nữ ở trong và ngoài huyện, từ đó tôi được tiếp thêm sự tự tin để theo đuổi hướng đi của mình – Chị Xuyến cho biết thêm.
Không chỉ quan tâm hỗ trợ kiến thức, vốn sản xuất mà hội LHPN các cấp trong huyện còn chú trọng tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, đặc biệt là hàng nông sản cho hội viên.
Đơn cử như trường hợp chị Nguyễn Thị Viện, hội viên Chi hội Phụ nữ xóm Phố Chợ, xã Tân Khánh. Chị Viện chia sẻ: Tháng 9-2016, tôi mở cơ sở thu mua và sản xuất dầu ăn từ lạc, đỗ, vừng tại xóm Phố Chợ. “Khởi nghiệp” ở tuổi 47, không tránh khỏi những lo lắng nhưng tôi vẫn mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, một phần nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Hội LHPN các cấp về quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Việc kinh doanh, sản xuất của gia đình tôi đang ổn định, trung bình mỗi năm thu lãi 200-300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động và việc làm thời vụ cho 6-7 lao động địa phương.
Không chỉ chị Xuyến, chị Viện, nhiều chị em hội viên phụ nữ trong huyện Phú Bình cũng đã được hội LHPN các cấp quan tâm, hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Khai thác hiệu quả các nguồn vốn ưu đãi; tư vấn hỗ trợ về khoa học kỹ thuật; phát động phong trào “Phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi”; quan tâm đào tạo nghề và tư vấn giới thiệu việc làm; rà soát số hộ hội viên nghèo, hội viên khó khăn, phân loại nguyên nhân và xây dựng kế hoạch giúp đỡ hội viên với việc làm phù hợp, thiết thực…
Qua đó, chị em hội viên trên địa bàn huyện đã thay đổi tư duy, tự tin, mạnh dạn hơn, dám nghĩ, dám làm để vươn lên thoát nghèo, làm giàu, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tính từ năm 2017 đến nay, toàn huyện có 50 hội viên phụ nữ được hỗ trợ khởi nghiệp với tổng kinh phí 432 triệu đồng; 302 hộ do phụ nữ làm chủ hộ đã thoát nghèo; có trên 200 mô hình “Phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi”. Tham gia “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” do hội LHPN tỉnh tổ chức, từ năm 2018 đến nay, toàn huyện có 21 hội viên có đề tài, trong đó 4 đề tài đạt giải cấp tỉnh và 1 đề tài đạt giải của Trung ương Hội…
Bà Thân Thị Quyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Bình cho biết: Những năm qua, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và triển khai đến 100% cơ sở hội quan tâm, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, đặc biệt là hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Qua đó, số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ đều giảm qua các năm, nay chỉ còn 832 hộ.
Hiện, Hội LHPN huyện đang quản lý, duy trì có hiệu quả nguồn vốn ủy thác qua các ngân hàng với tổng dư nợ trên 550 tỷ đồng cho 9.995 người vay. Thời gian tới, Hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích hội viên ứng dụng khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh, đồng thời triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.