Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định công tác tư tưởng, lý luận là một trong những hoạt động quan trọng hàng đầu của Đảng, là một trong những nội dung quan trọng của công tác lãnh đạo và là phương thức lãnh đạo chủ yếu của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa X của Đảng khẳng định: “Công tác tư tưởng, lý luận là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý tưởng, trí tuệ, văn hóa và đạo đức; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Thực tiễn cách mạng của Đảng ta chỉ rõ, ở bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, công tác tư tưởng, lý luận luôn đứng ở vị trí hàng đầu trong các mặt công tác của Đảng, có những vai trò quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, việc phát tán các quan điểm sai trái, thù địch trở nên rất dễ dàng, nên công tác đấu tranh phản bác các quan điểm này cũng được đặt ngang hàng với bảo vệ nền tảng tư tưởng.
Do đó, thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” cần phải lấy bảo vệ là chính kết hợp với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nghị quyết có hai hoạt động cơ bản là bảo vệ và đấu tranh, phù hợp với phương châm “xây” và “chống” trong công tác tư tưởng, lý luận. Trong đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng là vấn đề quan trọng hàng đầu, được đặt lên trước.
Vì vậy, thực hiện Nghị quyết này phải lấy bảo vệ là chính. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này đã được Cương lĩnh và Điều lệ Đảng khẳng định. Bảo vệ nền tảng tư tưởng là việc nghiên cứu, bổ sung, phát triển, hoàn thiện chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, trong bảo vệ phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, hiện thực hóa hệ tư tưởng của Đảng vào đời sống và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.
Công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận như thế nào để không trở thành “tuyên truyền không công” cho địch. Chúng ta cần phân chia các quan điểm sai trái, thù địch thành các nhóm: Những quan điểm tấn công trực tiếp vào hệ tư tưởng. Đây là những quan điểm hoặc là phủ nhận sạch trơn những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoặc thừa nhận đúng một phần, đúng trong quá khứ, không đúng trong hiện tại, đúng ở phương Tây, không đúng với Việt Nam.
Những quan điểm tấn công vào đời tư của C. Mác, Ph. Angghen, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước bằng các thủ đoạn bôi nhọ, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, đặt sai bối cảnh. Những quan điểm đánh đồng sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực với học thuyết, lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Những quan điểm quy những hạn chế, yếu kém của quá trình đổi mới vào sai lầm của hệ tư tưởng. Việc phân loại như vậy để nhận diện rõ được các đối tượng chống đối thù địch đang tiến hành chống phá ở nhóm nào, từ đó chúng ta đề ra biện pháp phản bác và chứng minh điều ngược lại với các quan điểm sai trái, thù địch một cách rõ ràng trên cơ sở lấy ví dụ phổ biến, sự chính nghĩa và thực tiễn lịch sử rất phong phú của Đảng ta.
Hiện nay, chúng ta thường tập trung vạch trần bản chất phản khoa học, phản cách mạng của các quan điểm sai trái, thù địch. Có thể thấy đây chỉ là cách đấu tranh ở phần ngọn. Vì nếu chúng ta phản bác được luận điểm này, các thế lực thù địch lại tiếp tục đưa ra các quan điểm khác, ngày càng tinh vi, xảo quyệt và thâm độc hơn. Mặt khác, hệ tư tưởng, lý luận của chúng ta hiện nay đang tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp với điều kiện mới, giải quyết những vấn đề đã bị thực tiễn vượt qua; trong khi đó, công cuộc đổi mới vẫn đang còn có những hạn chế, khuyết điểm. Để khắc phục tình trạng đó, chúng ta cần truy đến tận gốc, tức là phải xác định chủ thể của các quan điểm sai trái, thù địch để phân loại và có biện pháp đấu tranh phản bác phù hợp.
Việc thấm nhuần quan điểm của Đảng ta trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch “trong bất kỳ hoàn cảnh và tình huống nào cũng phải luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đây là nền tảng tư tưởng, lý luận vững chắc của Đảng”, sẽ giữ vững được thành quả cách mạng của Đảng ta trong 91 năm qua.
Do đó, mỗi người mácxít, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn kiên trì với nền tảng tư tưởng đã lựa chọn, luôn có bản lĩnh vững vàng trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Sự kiên định ấy không chỉ dừng lại trong tư tưởng, mà cần được thể hiện ở những hành động, việc làm cụ thể trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.