Người bệnh binh nói được, làm được

11:54, 26/07/2021

Là bệnh binh nhưng ông Vũ Hồng Trâm ở tổ 10, phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên) luôn tận tụy hết mình với công việc chung. 6 năm làm Tổ trưởng tổ dân phố, thời gian chưa nhiều nhưng qua 3 lần bầu “chức việc” này, bà con dân phố cứ nhắm chọn, “quàng” lên vai ông. Nhiều người bảo: Chỉ có ông đảm trách thì các phong trào của tổ mới vươn lên được.

Ông tự hào về điều đó. Nhưng ông cũng biết mình phải nỗ lực nhiều hơn để không phụ lòng tin của người dân trong tổ. Hơn thế, ông cùng gia đình mới chuyển về định cư ở đây chưa lâu, các mối quan hệ với láng giềng đều mới.

Nhớ lại chuyện cũ, ông kể: Tôi có 14 năm phục vụ trong quân đội, trực tiếp làm nhiệm vụ tại Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật không quân, ở Sân bay Phù Cát (Bình Định). Do bị đau ốm nhiều nên đơn vị cho nghỉ chế độ bệnh binh 2/3. Trở về quê lập nghiệp, tài sản không có gì, nhà ở phải đi thuê. Và hằng ngày, vợ chồng đi làm thuê nuôi 2 con ăn học...

Giây lát dừng lời vì xúc động, ông tiếp tục câu chuyện: Ngôi nhà cấp 4 gia đình tôi đang ở là được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước hỗ trợ cho người có công với cách mạng. Ít nhất là 2 lần: Lần thứ nhất được hỗ trợ về đất ở, trị giá 90 triệu đồng; lần thứ hai là làm nhà ở mới, được hỗ trợ 40 triệu đồng. Có “đất cắm dùi”, tôi chuyển gia đình về đây định cư năm 2015.

Ông đã luôn răn mình sống nhu hòa, không ý kiến để đỡ chạnh lòng người khác. Nhưng cuộc sống thực tế thôi thúc ông không thể “mũ ni che tai”. Cho đến tận bây giờ ông còn nhớ như in 2 cuộc họp: Cuộc họp Chi bộ và cuộc họp tổ dân phố. Cán bộ, đảng viên và người dân mạnh ai nấy nói. Người trước đang phát biểu thì người sau đứng phắt dậy nêu ý kiến.Ông ngồi cuối hội trường, lắng nghe và nhận ra cảnh chẳng ai chịu ai.

Cả 2 cuộc họp, ông “đành phải đứng dậy” xin chủ tọa và bà con cho được phát biểu. Ông nói về quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân khi tham gia đóng góp xây dựng hạ tầng; về nguyên tắc dân chủ tại các phong trào địa phương...

Ông phát biểu rành mạch, rõ ràng, nhất là nguyên tắc phát huy quyền dân chủ: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Ông cũng chỉ rõ nguyên nhân vì sao các phong trào ở tổ, như việc đóng góp xây dựng nhà văn hóa; xây dựng khu dân cư tiên tiến bị hạn chế đều do tổ dân phố chưa phát huy được tinh thần dân chủ.

Nhiều việc đóng góp tại tổ, dân chưa biết, chưa thông nên mới phát sinh ý kiến thắc mắc, không tham gia ủng hộ. Ông đúc kết bằng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ vạn lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Thấy ông nói được, làm được nên bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố. Biết ông sẽ thoái thác, một số người cao tuổi đã đến nhà, động viên, đặt niềm tin vào ông. Ông nhận nhiệm vụ và tự hứa với lòng mình sẽ củng cố, xây dựng tổ có phong trào tốt.

Dù việc nhà bận rộn song ông gắn bó, hết mình với các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Ông bảo: Đó là cái gốc, là nền tảng cho gia đình, xã hội phát triển.

Bằng uy tín của mình, ông hòa giải thành công nhiều vụ việc trong tổ, như vợ chồng xô xát, người bên ngoài đến gây gổ. Một số thanh niên có hiện tượng sử dụng ma túy, ông không ngần ngại trao đổi với phụ huynh. Nhờ đó, nhiều chuyện tiêu cực, không lành mạnh được ngăn chặn kịp thời. 

Tháng 1-2020, tổ 20 và tổ 21 sát nhập lại thành tổ 10, gồm 217 hộ. Dựa theo bản đồ hành chính, đồng thời để thuận lợi cho người dân tham gia các phong trào, một số hộ chuyển sinh hoạt sang tổ khác; một số hộ từ nơi khác chuyển về.

Đến nay, tổ có 217 hộ, 100% số hộ phi nông nghiệp... Để an dân, ông gặp hộ chuyển đi; hộ chuyển đến trò chuyện, chia sẻ, động viên, nhất là về các khoản bà con đã đóng góp cho tổ xây dựng những công trình hạ tầng. Rồi chuyện tình làng nghĩa xóm, “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Nhiều việc cần phải triển khai đầy đủ, chính xác, ông bật đèn bàn “lọ mọ” đọc, nghiên cứu, soạn lại thành văn bản đọc thông báo trên loa của tổ. Ông nhấn nhá: “Vì địa bàn tổ dân phố rộng; hoặc vì bà con bận công tác, bận làm ăn, chưa nắm bắt được thông tin, nên đề nghị người biết phổ biến lại cho người chưa biết cùng thực hiện”.

Ông trăn trở: Mình phải làm như thế nào đó để chuyển tải các thông tin cần thiết đến bà con trong tổ nhanh nhất, như thông báo họp tổ nhân dân; thông báo đóng góp các quỹ theo quy định; thông báo phòng, chống dịch COVID-19...

Một lần nhìn các cháu ngoại gọi điện cho bố mẹ ở Lai Châu (2 con gái của ông sau tốt nghiệp đại học cùng lên tỉnh Lai Châu làm việc), ông nảy sáng kiến thành lập nhóm Zalo để tiện cho công việc. Theo sáng kiến của ông, các đảng viên 213 đã tạo lập một nhóm riêng.

Cùng đó, ông tạo lập nhóm Zalo của tổ dân phố, bà con phấn chấn tham gia chia sẻ thông tin, các việc hiếu, hỷ hoặc ai đau ốm đi viện cả tổ đều biết. Ông đưa ra quy ước: Bà con trong tổ chỉ đưa lên Zalo những thông tin chung; còn việc riêng có thể gặp trực tiếp hoặc gọi điện thoại cho Tổ trưởng hoặc Trưởng Ban Công tác Mặt trận.

Ông chia sẻ: Nhờ thiết lập nhóm Zalo nên các thông báo của tổ đến được với người dân tức thì. Ngược lại, đại diện tổ cũng nắm bắt được các thông tin dư luận quan tâm nhanh nhất, giản đơn như ai đó đổ rác ra đường; hoặc tại địa bàn của tổ có người lạ... bị khả nghi gây mất an ninh trật tự.

Việc của tổ trưởng dân phố giống như người nuôi con mọn. Có khi vừa bưng lưng cơm lên chưa kịp ăn đã thấy “người ta” gọi. Mà chỉ lời ông nói, người trong cuộc mới chịu hạ hỏa...