Lần đầu tiên tham gia Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh vào tháng 6 năm nay, chị Nguyễn Thị Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Phú Bình đã xuất sắc giành giải Nhất . Với sự chuẩn bị chu đáo và phương pháp trình bày sinh động, hấp dẫn, chị đã để lại nhiều ấn tượng trong phần thi của mình.
Đến với Hội thi, chị Lâm lựa chọn thực giảng nội dung “Thực hiện những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh”. Chị chia sẻ: Tôi chọn nội dung này bởi nó có ý nghĩa quan trọng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của từng cán bộ, đảng viên. Tôi muốn được góp phần nhỏ bé của mình để xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” theo tư tưởng của Người.
Hội thi có 3 phần thi chính là soạn giáo án, thực giảng, trả lời câu hỏi nghiệp vụ. Để chuẩn bị cho Hội thi, chị Lâm đã soạn giáo án nộp cẩn thận cả về nội dung và hình thức theo đúng hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Phần thực giảng, chị bám sát nội dung giáo trình, cập nhật kiến thức mới, liên hệ thực tiễn, định hướng tích cực cho học viên, sử dụng các phương tiện trình chiếu hiện đại kết hợp hình ảnh minh họa phù hợp cho bài giảng của mình.
Với phần trả lời câu hỏi nghiệp vụ, chị tìm tòi đọc nhiều tài liệu để nắm chắc toàn bộ kiến thức trong bài và các nội dung khác liên quan, đặc biệt là các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng. Đồng thời, liên hệ thực tiễn tại cơ quan, đơn vị, địa phương và trách nhiệm của bản thân để câu trả lời được chính xác, thực tế.
Thêm một yếu tố quan trọng giúp chị Lâm hoàn thành xuất sắc phần thi của mình là trước khi đi thi, chị đã mời các đồng chí Thường trực Huyện ủy Phú Bình, các giảng viên chuyên trách của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị và các giảng viên kiêm nhiệm dự giờ phần thi để đóng góp ý kiến, rút kinh nghiệm cho chị. Đối với chị Lâm, việc tham gia tại Hội thi này cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm từ các thí sinh khác về kỹ năng, phương pháp giảng dạy; các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở.
Môn Lý luận chính trị vốn được nhiều người cho là “khô” và khó, nhưng với thời gian làm giảng viên kiêm chức và giảng viên chuyên trách từ năm 2014 đến nay, chị Lâm đã tích lũy cho mình được nhiều phương pháp giảng dạy hay để thu hút sự chú ý của học viên trong mỗi giờ học.
Để học viên dễ hiểu và có sự tương tác với giảng viên, chị luôn nắm chắc kiến thức, gắn lý luận với thực tiễn, lấy nhiều ví dụ minh họa để học viên dễ hiểu và không quá phụ thuộc vào giáo án khi giảng dạy; chị cũng thường sử dụng các phương pháp như hỏi đáp nhanh, tạo tình huống cho học viên thảo luận nhóm, lấy ví dụ liên hệ tại địa phương, cơ quan, đơn vị; phần lớn các bài giảng chị đều lựa chọn hình ảnh, video, phóng sự ngắn có chất lượng, phù hợp với nội dung giảng để tránh sự nhàm chán cho các học viên...
Anh Lê Hồng Khanh, học viên lớp bồi dưỡng Phó Chủ tịch HĐND, UBND và quy hoạch chức danh Phó Chủ tịch UBND các xã, thị trấn của huyện Phú Bình cho biết: Chị Lâm là một trong những giảng viên luôn chuẩn bị chu đáo trong các bài giảng, từ việc chuẩn bị giáo án đến sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại. Nhất là trong quá trình giảng, chị luôn lấy người học là trung tâm, đưa ra nhiều tình huống thực tế để học viên phải suy nghĩ, tham gia làm rõ vấn đề trong bài giảng. Qua đó, học viên có cơ hội để bộc lộ quan điểm, khắc sâu, nhớ lâu hơn các nội dung được học.
Chia sẻ về kế hoạch tiếp tục nâng cao chất lượng các bài giảng của mình, chị Lâm cho biết: Chỉ khi giảng viên có “tầm” về tri thức và có “lửa” trong tâm hồn thì mới có thể “truyền lửa” cho người học. tôi sẽ tiếp tục học hỏi, cập nhật kiến thức mới, sáng tạo hơn nữa trong phương pháp giảng dạy để làm giàu tri thức cho mình và truyền tải thông tin đến người học một cách nhanh nhất, hiệu quả và thiết thực nhất.