Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Thái Nguyên là Thủ đô kháng chiến

11:18, 22/08/2021

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Thái Nguyên trở thành trung tâm căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. Việc ra đời của an toàn khu (ATK) trên đất Thái Nguyên đã thể hiện sự đúng đắn và sáng tạo trong lãnh đạo cách mạng của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau này, trong tham luận tại một hội thảo khoa học, Đại tướng đã khẳng định: “Rõ ràng, Thái Nguyên là Thủ đô của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược”.

Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán được âm mưu, hành động của thực dân Pháp và Người đã quyết định trở lại Việt Bắc để xây dựng ATK kháng chiến trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên), Chợ Mới, Chợ Đồn (Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang).

Quá trình kháng chiến, cơ quan Trung ương, cơ quan của Bác, cơ quan Chính phủ, cơ quan Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Quốc phòng di chuyển nơi này, nơi khác một thời gian ngắn, nhưng trung tâm vẫn ở các địa phương nói trên, đặc biệt là huyện Định Hóa.

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận định: “Thái Nguyên là một địa bàn quan trọng “tiến có thể đánh, lui có thể giữ và nhân dân ở đây có truyền thống cách mạng”, nên trong kháng chiến chống Pháp, cơ quan của Bác, cơ quan của Trung ương, các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đều tập trung đóng ở Định Hóa, cũng có lúc chuyển sang Sơn Dương hay Bắc Kạn nhưng với thời gian ngắn rồi lại trở về Định Hóa.

Ông Đồng Khắc Thọ, nguyên Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, nhà nghiên cứu lịch sử, đã viết hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài báo, tham luận khoa học về lịch sử Thái Nguyên cho biết: Tôi đã có nhiều lần làm việc và xin ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp về vị trí chiến lược của Thái Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Đầu tiên phải khẳng định rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã kế thừa, phát triển, hoàn thiện, tổ chức thực hiện hiệu quả, sáng tạo tầm nhìn của Bác về vị trí chiến lược của Thái Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nhìn từ góc độ địa lợi, ATK là nơi có núi rừng hùng vĩ, xem lẫn với đồng ruộng, có thể đảm bảo tự cung, tự cấp, lại thuận lợi liên hệ ra quốc tế, liên kết giữa miền xuôi và miền ngược, lúc thuận lợi có thể đấu tranh vũ trang, lúc khó khăn có thể lui về giữ địa bàn chiến lược. Thêm vào đó, nhân dân các dân tộc trên địa bàn Thái Nguyên có truyền thống kiên trung bất khuất đã được khẳng định qua nhiều thế hệ. Đây là cơ sở để Đại tướng xây dựng lực lượng thực hiện chiến thuật chiến tranh du kích, “thực túc binh cường”.

Ông Đồng Khắc Thọ, nguyên Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa lưu giữ rất nhiều cuốn sách, tài liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định “Định Hóa là ATK tuyệt mật nhằm đảm bảo an toàn và ổn định để các đồng chí lãnh đạo chủ chốt lúc bấy giờ làm việc ít phải di chuyển”.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; địa điểm làm việc của các cơ quan đảng, nhà nước, quân đội và các tổ chức đoàn thể đều chủ yếu được đặt tại ATK Định Hóa. Tại đây, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định nhiều chiến dịch lớn, sự kiện quan trọng.

Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng như vậy nên quân địch liên tiếp tìm cách tấn công ATK Thái Nguyên. Vì vậy, việc bảo vệ an toàn lãnh tụ và các cơ quan đầu não của ta là vấn đề sống còn.

Trong suốt những năm kháng chiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vận dụng chiến lược chiến tranh nhân dân, biến mỗi người dân là một chiến sĩ bảo vệ ATK. Đồng thời thành lập, phát triển hàng loạt đội du kích; tổ chức quân đội chủ lực phòng thủ nhiều lớp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về ATK trong tài liệu “Khu giải phóng, một sự nghiệp vĩ đại của phong trào giải phóng dân tộc”:

“Sẵn đường giao thông với quốc tế, liền với trung châu tam giác”, tức là có cái thế uy hiếp Hà Nội. Phía Đông có thể men theo rừng núi và tiến về Hà Đông hay liên lạc với Thanh - Nghệ. Đứng về địa thế mà luận, thực là một nơi dụng binh hiểm yếu, “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”.

Ông Đồng Khắc Thọ cho biết thêm: Trong thời kỳ đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo lực lượng quân đội bất luận thế nào phải đánh chặn địch từ xa, không để bất cứ tên địch nào thâm nhập ATK.

Còn ông Đặng Văn Vinh, cán bộ tiền khởi nghĩa ở xã Kim Phượng (Định Hóa) chia sẻ: Trước ngày tổng khởi nghĩa, đồng bào các dân tộc ở ATK Định Hóa đã thấm nhuần tư tưởng bảo mật, phòng gian, với 3 không: Không biết, không nghe, không thấy. Đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngoài 3 không, toàn thể nhân dân đều đề cao cảnh giác, lập tức mật báo nếu thấy người lạ, hiện tượng bất thường.

Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là sự kết tinh sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh vị trí, vai trò chiến lược của Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Người góp phần quan trọng làm nên một ATK Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến bất khả xâm phạm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Thái Nguyên hôm nay đang không ngừng đổi mới cùng nhân dân cả nước xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, từng bước thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đại dịch COVID-19, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng, nhưng tỉnh vẫn bảo đảm mục tiêu kép.

ATK Định Hóa đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể di tích trên địa bàn huyện Định Hóa gồm 182 điểm di tích tại 22/23 xã, thị trấn, trong đó có 30 điểm di tích cấp quốc gia, 26 điểm di tích cấp tỉnh, 126 điểm di tích đã kiểm kê nhưng chưa được xếp hạng. Nhiều di tích đã được xây dựng khang trang, bề thế, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân cả nước.

Những ngày tháng Tám lịch sử, cùng với người dân cả nước, đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đang hướng đến kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8). Truyền thống lịch sử hào hùng, cùng sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho Thái Nguyên là động lực để cán bộ, nhân dân trong tỉnh tiếp tục ra sức phấn đấu, thi đua, đạt được những thành tựu mới trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ quê hương.