“Người Anh cả của Quân đội”

08:23, 25/08/2021

Không chỉ những người cùng thời với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từng trải qua các cuộc chiến tranh mà qua các trang sử, những thế hệ người Việt Nam sau này cũng cảm nhận được giá trị của hòa bình, cũng như công lao to lớn của Đại tướng đối với dân tộc. Đặc biệt, đối với các thế hệ cựu chiến binh (CCB), “Người Anh cả của Quân đội” luôn là tấm gương sáng để họ học tập và noi theo.

Từng là lính chiến trường, tham gia các trận đánh do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng chỉ huy, bác Nguyễn Xuân Yến, ở tổ 20, phường Phan Đình Phùng, Trưởng Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ T.P Thái Nguyên xúc động kể: Sau hơn 1 tháng hành quân từ Thái Nguyên đơn vị chúng tôi đã có mặt tại phía Nam Điện Biên Phủ. Nhận được lệnh “đánh nhanh, thắng nhanh”, 17 giờ chiều hôm đó, đơn vị tôi xuất quân đánh cứ điểm Điện Biên Phủ. Anh em ai cũng hào hứng với niềm tin tất thắng. 

Hành quân từ 17h chiều đến 22 giờ đêm, chúng tôi đi được hơn 1km thì nhận được lệnh quay về vị trí tập kết. Sau này đọc hồi ký của Đại tướng tôi mới hiểu ngày 26/1/1954, sau khi quyết định chuyển từ chiến thuật "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp sau khi thống nhất trong Đảng uỷ mặt trận, Bộ Tư lệnh mặt trận... đã quyết định "kéo pháo ra". Lúc này, việc kéo pháo ra cũng khó khăn y như kéo pháo vào và đã không còn giữ được thế bí mật hoàn toàn như ban đầu. 

Bác Hoàng Tăng Gia, chiến sĩ Điện Biên, nguyên Trưởng phòng Quân lực Quân khu Tây Bắc kể chuyện truyền thống với các em học sinh Trường THCS Quang Trung T.P Thái Nguyên, trong năm học 2020-2021.

Bởi vậy, để che mắt quân Pháp và cũng để kéo giãn bớt mật độ đánh phá, ngăn chặn của không quân địch, Bộ Tư lệnh đã ra lệnh cho Đại đoàn 308 lập tức tiến quân rầm rộ sang phía Lào và Thượng Lào. Đơn vị tôi - Đại đội 11, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 nhận lệnh mỗi chiến sĩ chuẩn bị 7 ngày gạo, 2 ngày cơm nắm, 2 ngày lương khô (gạo rang) và 2 chiếc bánh chưng, ngay chiều hôm đó rời trận địa nhắm vào phòng tuyến sông Nậm Hu trên đất Lào. Chiến thuật này nhằm “giương đông - kích tây”, “biến thực thành hư, biến hư thành thực”.

Suốt từ ngày 29-1 cho đến ngày 2/2/1954, Đại đoàn 308 chia làm hai cánh quân thần tốc truy kích địch trên đất Lào. Đặc biệt, Đại đoàn 308 vẫn bảo toàn được lực lượng, kịp hành quân quay về Điện Biên Phủ đúng ngày 11/3/1954, củng cố lực lượng, bước ngay vào tham gia cùng với toàn quân bắt đầu chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đúng như những chia sẻ của bác Yến, với tài thao lược của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ta đã có loạt chiến thắng mang ý nghĩa mở đường cho chiến dịch Điện Biên Phủ mang tính quyết định năm 1954. Khi công tác hay về với đời thường, dù ở cương vị nào, Đại tướng cũng mang hết nhiệt huyết, đề xuất nhiều ý kiến quan trọng vào những vấn đề lớn của đất nước. Tấm gương trọn đời vì nước, vì dân của “người Anh cả Quân đội” được bác Yến và các thế hệ CCB, cựu quân nhân luôn học tập và noi theo.

 “Gia tài” tham gia 2 cuộc kháng chiến của bác Nguyễn Xuân Yến là các huân, huy chương, huy hiệu tham gia các chiến dịch Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh…

Trong quân, mọi người coi Ðại tướng là người Anh cả hết sức mẫu mực, chân thành, là "Anh Văn" thân thương, là vị Ðại tướng Tổng Tư lệnh tài ba, lỗi lạc. Các hội viên CCB tỉnh Thái Nguyên luôn noi gương Đại tướng trong công tác, học tập và cuộc sống đời thường. Những năm qua, Hội CCB tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội thực hiện nghiêm túc việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và noi gương các tướng lĩnh cao cấp trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, điển hình là tấm gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp… đó là chia sẻ của Đại tá Hoàng Văn Trình, Chủ tịch Hội CCB tỉnh.

Học tập tấm gương của người Anh cả của Quân đội, các hội viên CCB của tỉnh đã nêu gương sáng trên mọi mặt trận, đặc biệt là phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. 5 năm qua, thông qua các nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, vốn vay ủy thác ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác và quỹ hội đã có gần 20 nghìn lượt hội viên được vay vốn với tổng dư nợ gần 50 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất đến nay tỷ lệ hộ nghèo là hội viên CCB còn dưới 1% (giảm trên 3% so với năm 2016).

Hiện nay có 136/178 xã, phường, thị trấn không có hội viên CCB nghèo. Về cơ bản đã xóa xong nhà dột nát cho hội viên CCB thuộc diện chính sách. 9/9 huyện, thành, thị có chi hội doanh nhân CCB; 167 doanh nghiệp nhỏ và vừa do CCB làm chủ thu hút gần 3.300 lao động… Không chỉ gương mẫu trong phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, các CCB còn tích cực tham gia các phong trào thi đua, xây dựng nông thôn mới. 5 năm qua hội viên CCB toàn tỉnh đã hiến trên 368 nghìn m2 đất, đóng góp trên 21 tỷ đồng vào quá trình xây dựng nông thôn mới.