Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc chống dịch chưa có tiền lệ, dịch bệnh biến ảo khôn lường, đi trước chúng ta, do đó các biện pháp tổ chức thực hiện phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Sáng 15-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ sơ kết 1 tháng công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, một số địa phương đã ban hành thêm các chỉ thị chỉ đạo thực hiện việc này ở mức cao hơn, sớm hơn so quy định của Chính phủ.
Thủ tướng hoan nghênh cách làm này trên nền tảng các quy định của Trung ương, địa phương căn cứ tình hình, sáng tạo, linh hoạt, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tế.
Chúng ta đã thực hiện giãn cách xã hội được một tháng, có nơi gần được một tháng. Với sự cố gắng, nỗ lực cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của nhân dân, chúng ta đạt được những kết quả tích cực bước đầu, có cái rất cơ bản, có cái là nền tảng, có cái là khởi điểm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì chúng ta thấy kết quả thực hiện chưa đạt như mong muốn, mục tiêu đề ra. Cho nên, hôm nay, Thường trực Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan đánh giá lại công tác thời gian qua thực hiện các biện pháp theo tinh thần Chỉ thị 16, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo để xem cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được, nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Trong đó tập trung phân tích, đánh giá thật kỹ nguyên nhân chủ quan, trên cơ sở đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm các cấp, các ngành, nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện quy định của Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ bổ sung, hoàn thiện và xem cái gì cần quyết liệt hơn.
Việc chống dịch chưa có tiền lệ, dịch bệnh biến ảo khôn lường, đi trước chúng ta, do đó các biện pháp tổ chức thực hiện phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Cái gì đã "chín", đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì triển khai ngay; không cầu toàn, không nóng vội.
Chúng ta cần đưa ra lộ trình, mục tiêu, biện pháp để hoàn thành, nếu để kéo dài thì chống dịch không dứt điểm và kinh tế - xã hội không phát triển được, không có nguồn lực để chống dịch.
Chúng ta không có điều kiện như các nước phát triển, quy mô nền kinh tế chúng ta còn hạn chế, chúng ta phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh thì mới có nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta quyết tâm không để xảy ra khủng hoảng kinh tế và y tế.
Trong điều kiện chúng ta chưa có vaccine, thuốc đặc trị chưa có thì biện pháp giãn cách, cách ly xã hội thì phải thực hiện triệt để vì lây nhiễm là giữa người với người.
Phải phong toả các ổ dịch nghiêm ngặt để tách F0, có điều trị phù hợp. Phải phát hiện nguồn lây trong cộng đồng bằng xét nghiệm đại trà.
Còn tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương thì cần xét nghiệm theo trọng tâm, trọng điểm. Thời gian còn lại của giãn cách phải thực hiện nghiêm việc này. Cùng với đó là huy động, tìm kiếm nguồn vaccine và thuốc điều trị.
Vừa qua, các cấp, các ngành đã nỗ lực cố gắng, đến nay, nếu chúng ta không kiên định các mục tiêu thì sẽ thất bại. Do đó phải kiên quyết bảo vệ thành quả đạt được...