Tầm vóc của Quảng trường Võ Nguyên Giáp

09:33, 22/08/2021

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều năm gắn bó với mảnh đất và con người Thái Nguyên. Đặc biệt, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh- Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy Đội Việt Nam Giải phóng phối hợp với các lực lượng giải phóng thị xã, xóa bỏ bộ máy chính quyền của địch, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên ngày 20-8-1945.

Hình ảnh của người anh cả Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn in đậm trong tâm trí mỗi người dân Thái Nguyên. Do vậy, khi tỉnh có chủ trương đổi tên Quảng trường 20-8 thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp và triển khai Dự án xây dựng Quảng trường Võ Nguyên Giáp thì các tầng lớp nhân dân đều hết sức phấn khởi và đồng tình.

Đúng dịp kỷ niệm 104 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/2015), UBND T.P Thái Nguyên (chủ đầu tư Dự án) đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo thiết kế, công trình được xây dựng trên tổng diện tích gần 47.000m2, gồm các hạng mục chính: Sân Quảng trường; sân lễ đài; sân khấu trung tâm; phù điêu; vườn hoa và khu cảnh quan ven sông Cầu. Về tổng thể, Quảng trường hội đủ các yếu tố lịch sử, kiến trúc và cảnh quan môi trường. Vừa mang phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống.

Quảng trường Võ Nguyên Giáp được giao cho UBND T.P Thái Nguyên quản lý. Khi đầu tư xây dựng, Quảng trường đã gắn với quy hoạch hai bên bờ sông Cầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này vì nhiều lý do mà một số hạng mục cảnh quan bên sông, là không gian đệm, phần phông, nền cho Quảng trường, góp phần tạo nên một tổng thể thống nhất, hài hòa đã được xác định ngay từ khi thiết kế ý tưởng cũng như lập dự án chưa được đầu tư xây dựng.

Theo khảo sát của chúng tôi, phía sau Quảng trường hiện nay cây, cỏ dại mọc ngập đầu người. Một số hộ kinh doanh cây cảnh, các hộ tiểu thương đã tận dụng để các bao vật liệu, cây cối, xe cộ, đồ đạc, bàn ghế… khá lộn xộn, gây rất mất mỹ quan.

Ông Nguyễn Văn Hòa ở tổ 2, phường Trưng Vương bày tỏ: Tôi mong tỉnh sớm triển khai đầu tư hoàn chỉnh Quảng trường Võ Nguyên Giáp, nhất là khu vực phía sau các bức phù điêu, đảm bảo mỹ quan công trình. Đồng thời quan tâm hơn đến việc vệ sinh thường xuyên công trình lịch sử, văn hóa đầy ý nghĩa này.

Còn theo kiến trúc sư Trần Hải Hưng: Chọn xây dựng Quảng trường trên lõi một đô thị cũ đã vấp phải nhiều vấn đề hạn chế mở rộng diện tích, đánh đổi diện tích không gian hiện hữu…. Mặc dù quy định chỉ cần có diện tích 5ha trở lên, nhưng so với các tỉnh, thành phố khác thì Quảng trường của tỉnh vẫn còn khá nhỏ (Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc 26,2ha, Quảng trường T.P Vinh 12ha, Quảng trường Phú Quốc 8,3ha ….. ). Mà tầm vóc ở đây phải là các giá trị của Quảng trường Võ Nguyên Giáp mang lại cho người dân, thiết thực và gần gũi cũng như là không gian đáng sống thật sự.

Dự kiến phương án điều chỉnh tổng mặt bằng phía sau Quảng trường Võ Nguyên Giáp.

Với diện tích Quảng trường như hiện nay, chúng ta cần nghiên cứu quy hoạch mở rộng khu chức năng xung quanh gắn liền với các chức năng công cộng khác tạo thành tổng thể liên hoàn như: Quảng trường, Bảo tàng, Đài tưởng niệm, Nhà thi đấu, Trung tâm Hội nghị, Công viên cây xanh (hai bên bờ sông Cầu kết nối), vườn hoa, trục giao thông, phố đi bộ bờ sông, bến thuyền, phố đi bộ thương mại, trung tâm triển lãm, Cung thiếu nhi, khu thương mại dịch vụ, khu vui chơi giải trí…

Như vậy, ta sẽ có được một không gian rộng hơn, tiện ích hơn, kích thích các hoạt động công cộng nhiều hơn nữa. Đặc biệt, cần thêm nhiều không gian xây xanh hơn vì đây là một “lá phổi” của đô thị. Mặt khác, việc đầu tư xây dựng phải thực hiện đồng bộ, đúng tiến độ, tránh kéo dài, làm nhếch nhác bộ mặt đô thị, làm giảm tầm vóc và ý nghĩa của Quảng trường Võ Nguyên Giáp – Kiến trúc sư Trần Hải Hưng nói.

Vừa qua, Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương triển khai Dự án xây dựng Trụ sở làm việc khối các cơ quan tỉnh. Mục tiêu nhằm sắp xếp lại trụ sở làm việc một số cơ quan trên địa bàn phường Trưng Vương; tạo quỹ đất để phát triển thương mại, dịch vụ và kiến trúc cảnh quan cho T.P Thái Nguyên và tỉnh nói chung.

Người dân tin tưởng Dự án hoàn thành sẽ có thêm quỹ đất dành cho việc mở rộng các khu chức năng xung quanh Quảng trường, tạo điểm nhấn trong kiến trúc đô thị của T.P Thái Nguyên, xứng tầm là tỉnh trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc.