Ngày 1/7/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 (viết tắt là Nghị quyết). Những năm qua, các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết đã được tỉnh Thái Nguyên nỗ lực thực hiện và đạt nhiều kết quả khả quan, tạo những bước chuyển để tỉnh bứt phá trong thời gian tới.
Vừa qua, thực hiện kế hoạch tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương, tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW trên địa bàn tỉnh. Theo đó, kết quả thực hiện hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, một số lĩnh vực có sự bứt phá, nổi bật là: Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 116 nghìn tỷ đồng, gấp 18 lần năm 2004, đứng thứ hai và chiếm 17,1% tổng quy mô GRDP của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; thu nhập bình quân đầu người đạt 88,7 triệu đồng/người/năm, gấp 15 lần năm 2004, đứng thứ nhất vùng.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp; năm 2020, công nghiệp - xây dựng chiếm 58%; dịch vụ, thuế sản phẩm chiếm 30,5%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 11,5% - thấp nhất trong cơ cấu GRDP của các tỉnh trong vùng. Quy mô và tỷ trọng lao động có sự chuyển dịch nhanh từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt trên 15,6 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 27 lần so với năm 2004 và từ năm 2010 đến nay, tỉnh Thái Nguyên luôn đứng vị trí thứ nhất trong vùng về thu ngân sách…
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội liên tục tăng cao qua các năm, giai đoạn 2016-2020 đạt 239,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,98% so với giai đoạn 2011-2015. Cùng với đó, hiệu quả sử dụng vốn cũng ngày càng nâng cao. Hệ số ICOR - hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bình quân của tỉnh năm 2020 đạt 8,41, gấp 4,13 lần năm 2004. Sản xuất công nghiệp có sự bứt phá, giá trị sản xuất năm 2020 đạt 879 nghìn tỷ đồng, gấp 114 lần năm 2004, đứng thứ nhất vùng và đứng thứ 4 toàn quốc sau các tỉnh Bắc Ninh, Bình Dương và T.P Hồ Chí Minh.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng ngày càng hiện đại, đồng bộ. Ảnh: M.H
Tỉnh đã quy hoạch 6 khu công nghiệp, đến nay, có 5 khu đã và đang được đầu tư xây dựng, với tổng diện tích 1.420ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 61%. Kể từ thời điểm thực hiện Nghị quyết đến nay, đã thu hút 231 dự án đầu tư, gồm 121 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 8,76 tỷ USD, 110 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký trên 14.762 tỷ đồng; quy hoạch 35 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.335ha. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 24,46 tỷ USD, gấp 837 lần năm 2004.
Sản xuất nông nghiệp có sự phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và bền vững. Năm 2020, giá trị sản xuất đạt 27,8 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 4 toàn vùng. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 108 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...
Các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, chăm lo đời sống của nhân dân đều đạt được những kết quả quan trọng. Đại học Thái Nguyên phát triển theo hướng đa ngành với quy mô ngày càng tăng, khẳng định vị thế của đại học vùng; quy mô đào tạo đại học, cao đẳng đạt bình quân 60.296 học sinh, sinh viên/năm, đạt 100,4%; quy mô đào tạo sau đại học đạt bình quân 5.125 người học/năm, đạt 102%.
Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được mở rộng, năm 2004, toàn tỉnh có 34 cơ sở, quy mô đào tạo 15.000 người/năm, đến năm 2020 có 47 cơ sở, quy mô đào tạo 40.000 người/năm. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 11,02% (năm 2004) lên 28,7% (năm 2020), cao hơn so với bình quân chung của cả nước (24,5%). Năm 2020, giải quyết việc làm cho 24.713 người, tăng 185% so với năm 2004; giai đoạn 2004-2020, tổng số người được giải quyết việc làm tăng thêm là 344.286 người.
Về y tế, toàn tỉnh có 726 cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là 1 trong 6 bệnh viện hạng đặc biệt của cả nước. Số xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế tăng từ 12,2% năm 2004 lên 100% năm 2020 đã khẳng định vị thế của tỉnh là trung tâm y tế của vùng tủng du và miền núi Bắc Bộ.
Công tác giảm nghèo, chăm lo đời sống của nhân dân đạt được kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 6,06% năm 2004, xuống chỉ còn 2,82% năm 2020; tỷ lệ dân số được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,83%; 100% xóm, bản có điện lưới quốc gia. Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch đạt 97%. Tỷ lệ người dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%. Hệ thống thương mại, dịch vụ được quan tâm đầu tư, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
Qua những kết quả trên, có thể khẳng định, những kết quả đạt được sau 17 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là rất đáng tự hào và trân trọng. Đó là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, nghiêm túc của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên các mặt công tác, từ việc quán triệt, tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện đến việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, sơ kết, tổng kết Nghị quyết theo đúng chỉ đạo của Trung ương, phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương.
Đặc biệt, sự hưởng ứng, tham gia vào cuộc tích cực của MTTQ, các đoàn thể và đóng góp của các thế hệ người dân Thái Nguyên, với ý chí, khát vọng và quyết tâm xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển phồn vinh, hạnh phúc, trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội…