Để công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thực sự vững mạnh thì chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn ở cơ sở đóng vai trò quan trọng. Vì vậy thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ đoàn luôn được đoàn các cấp trong tỉnh ưu tiên thực hiện.
Hiện, toàn tỉnh có trên 50 cán bộ đoàn cấp tỉnh, gần 400 cán bộ đoàn cấp huyện, hơn 1.000 bí thư, phó bí thư đoàn đoàn cấp cơ sở.
Thực tế hiện nay, hoạt động của tổ chức đoàn cơ sở ở gặp nhiều khó khăn, như: Lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) mỏng, nhận thức của một bộ phận thanh niên còn hạn chế… thì năng lực của đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở càng cần được chú trọng hơn bao giờ hết.
Đồng chí Ngô Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn cho rằng: Cán bộ đoàn phải thật sự gần gũi, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của ĐVTN ở địa bàn mình phụ trách, từ đó xây dựng mục tiêu, kế hoạch tổ chức phong trào phù hợp. Đặc biệt là phải có kỹ năng, trình độ để không ngừng đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, chú trọng vào nhu cầu thực tiễn, tránh rập khuôn, máy móc khiến ĐVTN chán nản, thờ ơ, không hứng thú với tổ chức đoàn.
Nhận thức rõ điều này, những năm qua, Tỉnh đoàn đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ đoàn. Bên cạnh việc tổ chức các chương trình tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, Tỉnh đoàn cũng thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở để nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo, định hướng hoạt động đoàn ở địa phương; thực hiện hiệu quả chủ trương “1 + 2” (mỗi cán bộ đoàn cấp tỉnh, huyện đi cơ sở ít nhất 2 tháng/năm).
Đồng thời triển khai các kế hoạch thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn, hội, đội giai đoạn 2020 - 2022”; kết luận về “Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác cán bộ đoàn giai đoạn 2019 - 2022” do Trung ương Đoàn ban hành…
Những giải pháp như vậy đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ đoàn ở cơ sở. Phó Bí thư Đoàn xã Khe Mo (Đồng Hỷ), anh Nguyễn Đình Thắng bộc bạch: Nhờ được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Tỉnh đoàn, Huyện đoàn tổ chức hằng năm và sự hướng dẫn sát sao của Đoàn cấp trên mà kỹ năng, nghiệp vụ của tôi từng bước nâng lên. Thay vì tâm trạng lo lắng, giờ đây khi được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức một hoạt động nào đó, tôi hoàn toàn tự tin đảm nhận.
Một điển hình nữa trong việc phát huy vai trò “thủ lĩnh” thanh niên là anh Lại Tiến Biên, Bí thư Đoàn xã Yên Lạc (Phú Lương). Nhận thấy tình trạng khô khan, thiếu hấp dẫn, ít hiệu quả trong hoạt động của các chi đoàn, anh đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo nhằm chuyển đổi mô hình thu hút, tập hợp thanh niên.
Anh Biên kiên trì vận động, hướng dẫn các chi đoàn thành lập các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm phù hợp nguyện vọng, thế mạnh riêng. Kết quả, các câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế, Thanh niên bảo vệ môi trường… và nhiều đội văn nghệ, tổ phong trào thanh niên lần lượt ra đời. Nhờ đó, hoạt động của các chi đoàn tại địa phương ngày càng chuyển biến tích cực.
Đó là ví dụ về công tác tổ chức, triển khai phong trào thanh niên ở cơ sở được kết hợp khéo léo giữa “công thức” và “thực hành”. Trong đó, điểm quan trọng làm nên thành công của tổ chức đoàn là vai trò của người “thủ lĩnh” trong việc thực hiện tốt công tác vận động thanh niên, giúp các bạn trẻ hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia các phong trào.
Những hoạt động thiết thực, ý nghĩa đó tạo môi trường để cán bộ, ĐVTN phấn đấu, rèn luyện, tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ. Chỉ từ năm 2020 đến nay, các cấp bộ đoàn đã giới thiệu trên 6.000 đoàn viên ưu tú vào Đảng, trong đó có hơn 3.000 người được kết nạp Đảng.
Từ nền tảng của đội ngũ cán bộ đoàn hiện có, cùng với những giải pháp tích cực, tổ chức đoàn các cấp trong tỉnh ngày càng khẳng định vai trò là cầu nối, đồng hành với thanh niên, từ đó phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.