Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc Việt Nam. Đại tướng là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhân dân yêu mến, kính trọng, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Dù không được đào tạo qua bất kỳ một trường lớp quân sự chính quy nào, không trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội nhưng ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng vào năm 1948 khi mới 37 tuổi. Với tài năng đặc biệt của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy thành công Chiến dịch Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tiêu diệt cứ điểm “bất khả xâm phạm” của thực dân Pháp; tổ chức Chiến dịch Hồ Chí Minh huyền thoại trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giành độc lập, thống nhất cho dân tộc Việt Nam.
Sự nghiệp cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khởi đầu từ tháng 12-1944, khi ông được giao thành lập và chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Từ 34 chiến sĩ đầu tiên trong khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), đội quân đó đã trải qua những năm tháng chiến đấu trong vòng vây của kẻ thù; trưởng thành vượt bậc qua từng trận đánh, từng chiến dịch. Ông có những đóng góp quan trọng vào vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.
Từ 1945-1947, ông Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong Chính phủ Liên hiệp lâm thời, Chính phủ Liên hiệp quốc dân. Nổi bật là ngày 30/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh uỷ quyền cho ông làm Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Việt Nam, sau là Tổng tư lệnh kiêm Tổng Chính ủy, Bí thư Tổng Quân ủy. Tháng 5-1948, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quân hàm Đại tướng và sau đó được tái bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trong kháng chiến chống Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sáng tạo ra nhiều cách đánh độc đáo chưa từng có trong lịch sử chiến tranh cả ở Việt Nam và trên thế giới. Tiêu biểu như, phương châm tác chiến “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, nghệ thuật tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, “đánh điểm diệt viện”, kết hợp “vận động chiến với công kiên chiến” khiến đối phương bất ngờ, lúng túng và bị động đối phó.
Ông quyết định thành lập đại đoàn chủ lực đầu tiên; mở chiến dịch đánh quân chủ lực cơ động của Pháp hành quân ra Hòa Bình, đồng thời đưa một bộ phận chủ lực ta luồn vào đánh sau lưng địch để phát triển chiến tranh du kích kiềm chế, tiêu hao sinh lực địch; mở Chiến dịch Tây Bắc, nơi địch sơ hở và địa hình có lợi để tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, đặc biệt là quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Di tích Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xã Bảo Linh (Định Hóa).
Khi quân Mỹ trực tiếp vào miền Nam, nhiều nước bạn bè khuyên Việt Nam bỏ ý định đối đầu trực tiếp nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: Việt Nam sẽ thất bại nếu đánh theo kiểu chính quy nhưng người Việt Nam sẽ giành chiến thắng bằng cách đánh kiểu Việt Nam. Những kế hoạch chiến lược và phương án tác chiến của ông đã góp phần đánh bại các chiến lược của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, khi vận mệnh dân tộc được quyết định bởi một sự lựa chọn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra mệnh lệnh cho toàn quân “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Điều này đã tạo bước ngoặt lớn, góp phần quan trọng đưa cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi, đất nước hoàn toàn thống nhất.
Trong cuốn sách được xuất bản tại Anh năm 2008 mang tựa đề “Những nhà lãnh đạo quân sự lớn và những chiến dịch của họ”, giới thiệu 59 nhân vật danh tiếng nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh của thế giới trong 2.500 năm qua (thứ tự được xếp theo trình tự thời gian từ cổ đến kim), Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lựa chọn là nhân vật thứ 59, tức là nhân vật nổi bật nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II và cũng là người duy nhất còn sống khi cuốn sách được xuất bản.
Không chỉ ở trong nước, ông còn nhận được sự tôn trọng và kính nể của những bại tướng. Tướng De Castries (Pháp) nói: “Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”. Còn tướng William Westmoreland - từng là chỉ huy cao nhất của quân đội Mỹ tại chiến trường Việt Nam thì nhận định: “Những phẩm chất làm nên một nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại là khả năng đưa ra quyết định, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung và một trí tuệ hội tụ được những phẩm chất này. Tướng Giáp đã sở hữu tất cả”.
Tôi thuộc thế hệ đi sau, chưa được một lần được may mắn diện kiến bậc vĩ nhân nhưng cũng giống như tất cả cả người dân Việt Nam, tôi luôn hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tấm lòng kính yêu và ngưỡng mộ. Đọc những bài viết, trực tiếp nghe những câu chuyện kể đời thường, chân dung của Đại tướng hiện lên hết sức gần gũi và thân thương. Có lẽ không chỉ là những trận đánh, những chiến công lừng lẫy mang tầm thời đại mà sự giản dị và rất đời thường đã làm nên một vị tướng huyền thoại, sống mãi trong trái tim của nhân dân Việt Nam.