Thời thế tạo ra anh hùng, nhưng anh hùng lại góp phần tạo ra thời thế. Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một trong những trường hợp như vậy. Trong lịch sử quân sự thế giới có lẽ hiếm có một người nào xuất thân từ một nhà giáo dạy sử, chưa từng được kinh qua một trường lớp chính quy nào về quân sự lại được giao sứ mệnh cầm quân, để rồi từ một người yêu nước ngay từ khi còn là một cậu học trò đến một người cộng sản chân chính - chân chính đến tận cuối đời... trở thành một vị tướng xuất chúng như Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Với nhiều người, kể cả những người từng một thời là đối thủ bên kia chiến tuyến, thì Võ Nguyên Giáp không chỉ là một danh tướng, một “Nhà chính trị đi trước nhà quân sự”, một “Thống soái quân sự cỡ lớn”... mà còn là một “Cây đại thụ rợp bóng nhân văn”. Đức Nhân trong con người Võ Nguyên Giáp được biểu hiện qua những mối quan hệ chủ yếu: Với nhân dân, với bộ đội, với kẻ thù và với chính bản thân.
Trước hết, với nhân dân. Là một nhà giáo dạy sử, lại là một học trò xuất sắc và gần gũi của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nên hơn ai hết, Võ Nguyên Giáp hiểu rất rõ và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “trọng dân” của các bậc tiền nhân cũng như “nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cương vị là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang, ông luôn coi yếu tố chính trị quần chúng là chỗ dựa không thể thiếu trong bất kỳ hoạt động quân sự nào của Quân đội cách mạng - Quân đội của nhân dân. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Lực lượng chính trị quần chúng là cơ sở để xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân. Nó là chỗ dựa vững chắc cho lực lượng vũ trang nhân dân tác chiến”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với bà con đồng bào các dân tộc tại Cao Bằng, năm 1994. (Ảnh tư liệu/qdnd.vn)
Trong suốt cuộc đời cầm quân, yếu tố nhân dân luôn luôn bám rễ sâu trong tư duy quân sự của Võ Nguyên Giáp. Ngay từ buổi đầu được Hồ Chí Minh giao tổ chức và thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên, Võ Nguyên Giáp đã khởi thảo và huấn thị cho các đội viên thấm nhuần sâu sắc Mười lời thề, trong đó đề cập chủ yếu đến mối quan hệ quân - dân.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến, trên cương vị là Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên nhắc nhở các mặt trận, các địa phương thà mất đất chứ nhất quyết không để mất dân. Với Đại tướng, để các lực lượng vũ trang nhân dân đánh thắng địch cần phải có hậu phương chiến lược vững mạnh, căn cứ địa cách mạng được xây dựng bằng sức mạnh của “nhân sơn”, “nhân hải”.
Đến thăm các đơn vị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bao giờ cũng căn dặn bộ đội phải thường xuyên chăm lo củng cố và xây dựng mối quan hệ quân - dân cho thật tốt. Sự quan tâm đó của “Người anh cả” đã góp phần làm cho quan hệ “quân - dân như cá với nước” bám rễ, ăn sâu và trở thành nét đẹp truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam cả trong thời chiến lẫn thời bình.
Với quan hệ cán - binh, Võ Nguyên Giáp là một vị tướng bao dung, độ lượng nhưng rất nghiêm khắc; một vị Tổng Tư lệnh được toàn quân mến phục. Không phải ngẫu nhiên mà tướng Navarre - Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương từng phải thốt lên: “Đã bao lần tôi phát ghen với tướng Giáp”. Vị Tổng chỉ huy của Pháp “phát ghen” vì dưới trướng ông ta “không có một đội quân mà mối quan hệ cán - binh, quan hệ đồng chí gắn bó mật thiết như đội quân của tướng Giáp.
Đội quân dưới quyền chỉ huy của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã xây dựng được mối quan hệ kiểu mới - quan hệ đồng chí cách mạng giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa cấp trên và cấp dưới bình đẳng về chính trị, thương yêu tôn trọng lẫn nhau, hiệp đồng chặt chẽ với nhau để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Với Đại tướng, “trong lực lượng vũ trang nhân dân, người cán bộ ở bất kỳ cương vị nào, từ người tiểu đội trưởng cho đến Tổng Tư lệnh, dù là cấp úy, cấp tướng hay cấp tá thì trước sau vẫn là người lao động bình thường, người chiến sĩ cách mạng vừa là người chỉ huy lại vừa là người bạn chiến đấu của mọi chiến sĩ”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần đến thăm Bộ đội Trường Sơn. (Ảnh tư liệu/qdnd.vn)
Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người biết trọng dụng và sử dụng nhân tài. Trong hai cuộc kháng chiến có không ít trí thức đủ đức tài mặc dù chưa phải là đảng viên, xuất thân từ tầng lớp tiểu tư sản... nhưng đều được ông trọng dụng giao cho nhiều trọng trách quan trọng và nhiều người trong số đó về sau đều trở thành những tướng lĩnh tài ba của Quân đội. Có lẽ hiếm có một vị tổng tư lệnh nào lại được bộ đội trân quý, yêu mến giành cho cho cái tên gần gũi và thân thương: “Anh Văn” như Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Nhà trí thức lớn Hoàng Xuân Hãn sau khi dự Hội nghị Đà Lạt (tháng 5/1946) cảm nhận: “Đây là lần đầu tiên tôi biết Võ Nguyên Giáp. Trái với tiếng đồn là người róng riết, Võ Nguyên Giáp là người tỏ thái độ nhã nhặn, có tình cảm nhiều nhưng ý tưởng thì rất kiên quyết”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn coi trọng yếu tố nhân hòa; biết nhân hòa thì không kiêu căng. Ông luôn giáo dục cấp dưới đã làm cán bộ thì không được kiêu căng với chiến sĩ; kiêu căng ắt tạo ra kiêu binh. Đã coi trọng nhân hòa thì phải biết khiêm nhường; đức khiêm nhường và đức hy sinh đều là những biểu hiện cao cả của nhân hòa và dũng khí. Bởi những kẻ khiếp nhược và đê tiện thì đâu dám hy sinh và khiêm nhường vì nhân dân để có thể hiếu với dân. Người cán bộ phải biết thương yêu bộ đội, đồng cam cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi với chiến sĩ, làm cho trên dưới một lòng.
Là người cầm quân, ai cũng khát khao chiến thắng nhưng không phải trả bằng mọi giá. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là người chỉ huy, cầm quân cần phải biết quý trọng sinh mệnh của cán bộ và chiến sĩ, bởi suy cho cùng quý trọng sinh mệnh của bộ đội cũng tức là quý trọng sinh mệnh của nhân dân. Việc ông quyết định thay đổi phương châm tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ, từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc” là một minh chứng; nó vừa bảo đảm yếu tố chắc thắng, lại vừa giảm thiểu đến mức thấp nhất thương vong cho bộ đội. Năm 1984, trong cuộc gặp mặt kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Lê Trọng Tấn xúc động bày tỏ “nếu ngày đó không có quyết định thay đổi phương châm của anh Văn thì phần lớn cán bộ chúng tôi đã nằm lại cánh đồng Mường Thanh”.
Có thể nói, Võ Nguyên Giáp là một trong những vị tướng “biết đau với từng nỗi đau của người lính, biết trân quý từng giọt máu của mỗi chiến binh”. Tại Hội nghị tổng kết Đợt hai chiến dịch Điện Biên Phủ, khi nghe báo cáo về con số thương vong của bộ đội quá lớn trong trận đánh Đồi A1, Đại tướng đã không kìm được nước mắt. Ông lấy khăn ra lau đồng thời nổi nóng phê bình chỉ huy trận đánh đó. Đây là lần đầu tiên người ta thấy Đại tướng nổi nóng và “lớn tiếng” với một chỉ huy cấp dưới. Tuy nhiên, sau đó khi đã hiểu rõ mọi nguyên nhân, ông đã ôm chầm lấy vị chỉ huy đó với hai hàng nước mắt tiếp tục rơi.
Trên cương vị là Tổng Tư lệnh, bằng cái tâm sáng của người chỉ huy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu một tấm gương sáng và truyền lửa cho các lực lượng vũ trang nhân dân xây dựng được mối quan hệ đoàn kết nội bộ vững chắc, tạo nên một sức mạnh không gì phá vỡ nổi; đồng thời làm cho nó trở thành một nét đẹp truyền thống quý báu của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam anh hùng.
Với tù hàng binh, Võ Nguyên Giáp là một vị tướng biết thắng địch bằng nhân nghĩa, “biết khoan dung đối với kẻ địch đã đầu hàng”. Là người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng nhân nghĩa được kết tinh từ truyền thống nhân văn trong chống giặc ngoại xâm của các bậc tiền nhân trên tinh thần “không vì tư thù, tư oán”. Tư tưởng đó trở thành cẩm nang quan trọng trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; nó vừa là chiến lược, vừa là sách lược nhằm “phá được địch mà không phải đánh”, giành được thắng lợi mà không phải tiêu diệt đến tên địch cuối cùng.
Trong một lần trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Dominique Barri, khi được hỏi: Chiến lược của các ông là gì? - Đại tướng trả lời: "Chiến lược của chúng tôi là chiến lược hòa bình. Tôi là vị tướng của hòa bình". Trong chiến dịch Biên Giới năm 1950, mặc dù bộ đội ta còn nhiều thiếu thốn, cực khổ nhưng trên cương vị Tư lệnh chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho cấp dưới đối xử tử tế với tù hàng binh, đặc biệt là với các tù binh cấp cao của địch như Lơ-pa-giơ, Sác-tông, Duya-rít. Việc làm nhân đạo đó đã có sức lay động lớn, góp phần làm thay đổi thái độ của những binh lính Pháp được phóng thích.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ở trận đánh Mường Thanh, tử thương của địch nằm la liệt trên các bờ hào, công sự; theo đề nghị của chỉ huy trưởng trận đánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đồng ý cho tạm dừng tiếng súng, đồng thời ông chỉ thị cho cấp dưới thảo ngay một bức thư thông báo cho chỉ huy quân Pháp được phép cho người ra lấy tử thương. Sau trận đánh cuối cùng của chiến dịch, ông cho dựng hàng chục chiếc lều vải trên cánh đồng Mường Thanh và dọc hai bên bờ sông Nậm Rốm để cứu chữa cho tù, hàng binh địch bị thương. Chỉ có người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới có cách hành xử đầy chất nhân văn đối với tù hàng binh của đối phương như vậy.
Với chính mình, cái tôi trong con người Võ Nguyên Giáp là cái tôi "dĩ công vi thượng". Đại tướng là người luôn biết đề cao vai trò của tập thể. Trước khi đưa ra quyết định bất cứ một việc hệ trọng nào Đại tướng cũng đưa ra bàn bạc, thảo luận dân chủ trong tập thể lãnh đạo, chỉ huy. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trước khi quyết định thay đổi phương châm tác chiến, Đại tướng đã đưa ra thảo luận, xin ý kiến tập thể Đảng ủy Mặt trận và đoàn cố vấn. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, những quyết định quan trọng mà Đại tướng đưa ra đều được thảo luận, xin ý kiến của Bộ Chính trị, Thường trực Quân ủy.
Tính nhân văn trong con người Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp không dừng lại ở tư tưởng, ở ý chí, ở chỗ giữ cho cá nhân mình được trong sạch; mà trở thành hành động, trở thành phẩm chất, đạo đức và tài năng xuất chúng của một vị tướng. Hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống mãi trong lòng bộ đội, trong lòng nhân dân và nhiều bè bạn quốc tế chính là thước đo chân chính nhất.