Xóm Đình, một ngày tháng Tám

07:54, 07/08/2021

Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm Đình, xã Cù Vân (Đại Từ), anh Trương Văn Thăng vẽ vào khoảng không trước mặt để chúng tôi dễ hình dung: 3 phía của xóm được bao bọc bởi các cánh đồng Sau Đình, Cây Chè và Cây Chanh, mặt còn lại là quốc lộ 37. Nên nhìn tổng thể xóm Đình giống như một bán đảo nổi lên giữa mênh mông đồng ruộng.

Những năm qua, 168 hộ với gần 600 cư dân ở xóm Đình chủ yếu sống nhờ nghề trồng cấy trên 3 cánh đồng này. Ngoài nghề nông, cư dân ở đây còn giống như những họa sĩ của đời thực. Họ miệt mài cùng thời gian vẽ lên cánh đồng những mùa vụ, hết xuân sang mùa lại tới ngô, khoai… Nhiều người thảng thốt: Mới hôm nào đất trên đồng cày lật phơi ải, nay về qua đã thấy xanh mướt mát màu non tơ lá lúa. Lại ít ngày sau đó đã thấy màu vàng óng từng bông thóc nếp đợi thu hoạch. 

Cùng trên bức tranh tươi đẹp này, có một ngày tháng Tám đã đi vào lịch sử. Hôm ấy, ngày 17/8/1945, từ cây đa Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang), Quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam dẫn đầu đã đến xóm, tập kết tại sân đình của xóm. Ngay sáng ngày hôm sau (18-8), thay mặt Ủy ban Giải phóng toàn quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp công bố thành lập Ủy ban Giải phóng; Hội Thanh niên cứu quốc; Hội Phụ nữ cứu quốc xã Cù Vân, thông báo lệnh Tổng khởi nghĩa giành độc lập.

Đã sau 76 năm, nhưng sự kiện lịch sử trọng đại ấy vẫn tươi mới, trở thành niềm tự hào của cư dân xóm Đình. Cụ Trương Văn Thiết, Bí thư Chi bộ Cù Vân, người vinh dự được đồng chí Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ may cờ phục vụ cuộc mít tinh ở sân đình đã đi về miền thiên cổ. 

Nhưng các thế hệ cháu con ở vùng đất này luôn ắp đầy niềm tự hào, nhất là độ trung tuần tháng Tám hằng năm, ai nấy đều có chút lắng lòng, vơi nguôi chuyện cơm áo đời thường để cùng nhắc nhớ về ngày dân ta có cơm no, áo ấm. Để hôm nay về xóm Đình, đi dọc trên các trục đường bê tông, ngắm những ngôi nhà xây theo nhiều dạng kiến trúc, tạo cảnh quan phong phú, mãn nhãn.

Trong xây dựng hạ tầng cơ sở, dân cư xóm Đình đoàn kết, phát huy hiệu quả nội lực trong nhân dân, đóng góp 100% kinh phí làm nhà văn hóa. Xóm cũng phát huy được toàn lực cùng lúc tham gia hiến đất, tham gia ngày công để mở rộng đường bê tông, nhiều hộ tự bỏ thêm tiền để bê tông hóa đường về nhà... 

Các khu đồng đã cơ bản được bê tông hóa, nông dân chủ động hơn trong việc dẫn thủy nhập điền cho sản xuất mùa vụ. Ra cánh đồng Sau Đình, đất trên từng thửa ruộng không có tháng ngày ngơi nghỉ, mải miết vần xoay theo mùa vụ, cho các loại giống lúa chất lượng cao như Thiên Ưu 8, TBR 225, Bắc thơm, nếp cái hoa vàng… đơm bông. 

Theo ông Lương Văn Bẩy, người dân trong xóm: Thời đại công nghiệp hóa, nông dân không phải cầm cuốc đẽo đất. Các khâu từ làm đất, xuống mạ, làm cỏ, thu hoạch đều do máy móc thực hiện, nhàn tênh mà thóc vẫn mẩy vàng...

Rời cánh đồng, tôi bước lại trước hiên đình, mường tượng hình ảnh những nông dân áo vá tề tựu cùng đoàn quân giải phóng. Ai nấy hồ hởi, phấn chấn, vung nắm tay, miệng hô vang khẩu hiệu đánh Pháp, đuổi Nhật. Rồi tiêu thổ kháng chiến, đình bị phá bỏ. Mãi sau này mới được xây dựng lại theo thỏa nguyện tín ngưỡng của người dân. 

Năm 2009, đình được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhưng, dấu xưa còn đó mà chẳng biết cất đi đâu. Các hiện vật như tấm bia đá khắc chữ Hán cổ, những viên đá kê chân cột đình đành phải để ngoài hiên. Tất cả như một lời nhắn nhủ đến các cấp, ngành chức năng Nhà nước về tâm nguyện của người dân xóm Đình: Mong một ngày không xa, đình được phục dựng lại, xứng tầm di tích lịch sử cách mạng.