Cách mạng Tháng Tám mở đầu thời đại Hồ Chí Minh

08:28, 02/09/2021

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Thắng lợi của cách mạng là kết quả quá trình vận động của toàn thể nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của một Đảng mới vừa tròn 15 tuổi, đã đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến tồn tại hàng ngàn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, mở ra thời đại Hồ Chí Minh.

Mở ra thời đại Hồ Chí Minh

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam (Năm 2001) khẳng định: “Đối với nước ta, thế kỷ XX là thế kỷ của những biến đổi to lớn, thế kỷ đấu tranh oanh liệt giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thế kỷ của những chiến công và thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại”. Trong những chiến công, thắng lợi được nhắc đến với niềm tự hào lớn lao đó, thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt mở ra thời đại Hồ Chí Minh.

Thắng lợi đó là kết quả quá trình vận động cách mạng của nhân dân Việt Nam sau 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đây là bước nhảy vọt vĩ đại trong tiến trình lịch sử dân tộc. Việt Nam trở thành một nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nhân dân Việt Nam trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Với tầm vóc lớn lao đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” .

Cách mạng Tháng Tám là biểu hiện thắng lợi trong thực tiễn của đường lối chiến lược đúng đắn - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của đường lối ấy không chỉ góp phần đưa độc lập dân tộc trở thành giá trị phổ biến mang tính thời đại, mà còn mở ra một định hướng chính trị hoàn toàn mới đối với các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc là giành độc lập dân tộc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng Tháng Tám nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trong hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới. Tấm gương của Cách mạng Tháng Tám là bằng chứng hùng hồn, sinh động nhất đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của các nước Á, Phi, Mỹ Latinh và tất yếu tác động đến phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới vô cùng mạnh mẽ, góp phần cùng với xu thế cách mạng của thời đại thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Thành quả lớn nhất của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là đã xây dựng được Nhà nước cách mạng kiểu mới ở Việt Nam. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nêu rõ quyết tâm của nhân dân Việt Nam trước thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Ngày 6/1/1946, toàn thể quốc dân Việt Nam nhiệt liệt tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1946 nêu cao ý chí của toàn dân, thể chế hóa các quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Và Đảng đã lãnh đạo phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng thực lực về mọi mặt chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài mà thắng lợi cuối cùng thuộc về nhân dân Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám với công cuộc đổi mới hiện nay

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, thời kỳ đổi mới, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục phát triển. Năm 2020, Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng dương 2,91%, thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 1,7 lần, từ 327,8 tỷ đô la Mỹ năm 2015 lên khoảng 543,9 tỷ đô la Mỹ năm 2020. Lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam giai đoạn 2015-2019 tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lên 18 triệu với tốc độ 22,7%/năm. Từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến hết năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD ; là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và năng động nhất trong khu vực. Tính theo quy mô tổng sản phẩm quốc nội, Việt Nam là nền kinh tế đứng thứ 46 trên thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam hiện nay ước đạt hơn 340 tỷ USD, vượt Singapore, Malaysia, đứng thứ tư trong khu vực. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Uy tín và vị thế quốc tế của đất nước ngày một nâng cao. Sáu tháng đầu năm 2021, mặc dù làn sóng lây nhiễm lần thứ 4 của đại dịch COVID-19 diễn ra rất phức tạp nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 5,64%.

Trong thời gian tới, bên cạnh những mặt thuận lợi, chúng ta đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Càng trong khó khăn, chúng ta càng nhận thức được vai trò to lớn và sự lãnh đạo tài tình của Đảng; chúng ta càng thấy tầm vóc lớn lao, ý nghĩa lịch sử vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám vẫn tiếp tục là ngọn đuốc soi đường dẫn dắt nhân dân Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Những bài học của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta trong thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.