Trong dòng chảy của lịch sử cách mạng Việt Nam, một trong những quyết định quan trọng làm nên thắng lợi là sự kiện hợp nhất hai đội quân: Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu Quốc quân - thành Việt Nam Giải phóng quân. Nơi hợp quân lịch sử ấy diễn ra tại xóm Làng Quặng, tổng Định Biên Thượng, nay là xã Định Biên (Định Hóa). Quyết định hợp nhất 2 đội quân của Đảng đã tạo nên sức mạnh tổng lực, hiệu triệu được trái tim yêu nước của toàn dân, cùng đồng lòng đứng lên giành chính quyền, làm nên thành công của cách mạng tháng Tám năm 1945.
Mới đó đã 76 năm trôi qua, với biết bao biến cải bởi đất nước đi qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Rồi đất nước đổi mới, hội nhập phát triển cùng các cường quốc năm châu.
Và như nhiều vùng quê trên mọi miền đất nước, Định Biên “cựa mình thức dậy”, từng ngày đổi mới bởi cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Từng trục đường cao gấp gối, trơn truồi truội được hạ độ cao, đổ bê tông. Bên các trục đường là chòm xóm trù phú, nhà xây khang trang; nhiều hộ lắp đặt mạng internets, hầu hết các hộ dân đều sử dụng điện thoại thông minh…
Nếu ai từng về Định Biên mươi năm trước nay trở lại không khỏi thảng thốt, ngỡ ngàng về những đổi thay của một vùng đất có truyền thống cách mạng. Cảm xúc nhẹ nâng mà lòng chợt chùng lại khi đứng dưới tán đa cổ thụ trước sân đình Làng Quặng. Vẫn xanh ngát dưới trời tháng Tám, cây đa ấy như một chứng nhân lịch sử thì thầm kể chuyện xưa.
Từ khoảng thế kỷ 12, 13, nhân dân địa phương dựng nên đình Làng Quặng làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng và hội họp bàn việc chung. Trước ngày nhân dân ta giành lại độc lập, mái đình Làng Quặng là nơi chốn an toàn cho cán bộ Việt Minh đi lại, hội họp bàn kế sách đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Giữa sự bảo vệ, đùm bọc của đồng bào các dân tộc, vùng đất Định Biên đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, chủ yếu ở mái đình này. Điển hình có lớp Quân chính kháng Nhật ngắn ngày dành cho cán bộ địa phương được tổ chức ngày 24-4-1945. Lớp Quân chính được tổ chức trong thời gian 40 ngày, với 130 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Lớp do Tổng bộ Việt Minh cùng với các cán bộ chỉ huy Cứu quốc quân tổ chức. Mục đích của lớp Quân chính là để củng cố và phát triển phong trào quần chúng cách mạng ở Định Hoá.
Năm 1993, đình Làng Quặng được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.
Người dân Định Biên tự hào được sinh ra trên vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử cách mạng. Cho đến bây giờ, những bậc cao lão còn nhớ như in ngày diễn ra sự kiện trọng đại, góp phần tạo nên bước ngoạt lịch sử dân tộc.
Hôm ấy, từ sáng sớm ngày 15-5-1945, cả Tổng Định Biên như thức dậy sớm hơn bởi bao bước chân người từ nhiều nơi hội về, tề tựu trên bãi đất Nà Nhậu bằng phẳng ngay trước đình Làng Quặng. Hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đại diện cho các lực lượng Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân xắp hàng chỉnh tề. Phía trước hàng quân là 3 đồng chí xếp thành hàng ngang danh dự: Đồng chí đứng giữa cầm Quốc kỳ, hai đồng chí bồng súng hai bên trong tư thế nghiêm trang, trên hàng danh dự là khẩu súng đại liên ba càng thể hiện uy dũng của đội quân cách mạng…
Tham dự, chứng kiến Lễ hợp nhất 2 đội quân còn có đông đảo nhân dân trong vùng. Thay mặt đoàn thể Việt Minh và Uỷ ban Quân sự Bắc Kỳ, đồng chí Võ Nguyên Giáp chính thức tuyên bố sáp nhập hai đội “Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân” và “Cứu quốc quân” thành “Việt Nam Giải phóng quân”. Bộ Tư lệnh “Việt Nam Giải phóng quân” được thành lập gồm có các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Trần Đăng Ninh. “Việt Nam Giải phóng quân” thực hiện 10 lời thề danh dự và 12 điều kỷ luật, tiếp tục sự nghiệp giải phóng đất nước.
Sau khi “Việt Nam giải phóng quân” được thành lập, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Căn cứ địa Việt Bắc đã hình thành, lớn mạnh trên mọi phương diện, nhất là lực lượng đấu tranh vũ trang tiến tới tổng khởi nghĩa giành lại chính quyền về tay nhân dân. Cách mạng tháng Tám thành công, Định Biên một lần nữa vinh dự được Trung ương Đảng lựa chọn tổ chức lớp chính trị sơ cấp cho cán bộ Việt Minh, với gần 40 học viên. Lớp tổ chức trong thời gian 3 tháng. Đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ nhiệm. Các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt làm giảng viên.
Tháng 6-1948, Trường chuyển về xóm Làng Luông, xã Bình Thành. Và Làng Luông trở thành địa điểm đầu tiên của Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc.
Thời gian không là phép nhiệm màu, nhiều di tích lịch sử cách mạng trên Thủ đô gió ngàn Định Hóa có thể bị xô đổ, xuống cấp, thậm chí bị vùi chôn vào lãng quên. Nhưng trong lòng người, đình Làng Quặng, nơi ghi dấu mốc vàng son của một đất nước có truyền thống đấu tranh kiên cường, không cúi đầu trước sức mạnh đạn bom thì đó là một ký ức hào hùng tạc khắc vào tâm khảm các thế hệ, trở thành điểm tựa tinh thần vững chãi cho lớp cha trước, lớp con sau vượt lên những khó khăn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2004, đình Làng Quặng được Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch đầu tư phục dựng như hiện trạng cổ. Nên trên dòng chảy thời gian, dấu xưa, tích cũ là từng câu chuyện nặng mang dấu ấn lịch sử. Nhất là trên dòng sử cách mạng Việt Nam, khắc ghi lại ở đất này từng chứng kiến tiền thân của một đội quân cách mạng hùng hậu, sau đánh Pháp, đuổi Nhật giành lại chính quyền, tiếp tục làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng nam châu; tiếp tục đánh thắng giặc Mỹ; bảo vệ vững chắc bờ cõi biên cương và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc.