Sáng 25-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 63 tỉnh, thành phố, kết nối tới 705 quận, huyện, 10.400 xã, phường, thị trấn thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cuộc họp nhằm đánh giá tình hình phòng, chống dịch COVID-19, rút ra bài học kinh nghiệm, kế hoạch, giải pháp và mục tiêu cụ thể để mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm đưa cuộc sống của người dân trở về trạng thái bình thường mới. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cuộc họp nhằm đánh giá tình hình hai tuần qua, nhất là tuần qua, các biện pháp đã thực hiện đạt kết quả gì, bài học kinh nghiệm rút ra từ việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình, trên cơ sở để chúng ta có giải pháp, nhiệm vụ phù hợp tình hình thời gian tới, nhất là trong tuần tới; trong đánh giá những gì được, chưa được, tìm nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó có giải pháp phù hợp tổ chức, có giám sát, kiểm tra để kết quả đúng như mong muốn.
Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế của Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, cố gắng từ nay đến ngày 30-9 nới lỏng giãn cách từng bước có kiểm soát, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội. Chúng ta đưa ra một số chỉ tiêu, quy định về quy trình đánh giá việc thực hiện này, từ đó tạo ra sự thống nhất để hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 từng bước phát triển kinh tế-xã hội.
Trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, tổ chức hội thảo, Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế đã hoàn chỉnh thêm một bước kế hoạch và đưa ra cuộc họp này thảo luận để chúng ta sớm ban hành. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có phiên họp quan trọng để ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Như vậy, chúng ta đã có các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, do đó cần hỗ trợ kịp thời người lao động đang gặp khó khăn vì COVID-19.
Với thời gian ngắn, nội dung nhiều, Thủ tướng mong đại biểu tập trung thời gian, trí tuệ, kinh nghiệm, thông tin có được để góp ý vào đánh giá tình hình, một số nhiệm vụ giải pháp sắp tới, nhất là kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từ đó phục hồi phát triển kinh tế-xã hội để triển khai tổ chức thực hiện các cấp. Tuần qua, Tiểu ban Thông tin truyền thông cũng đã hoàn thành các biện pháp kỹ thuật để báo cáo Ban Chỉ đạo các cấp để sớm đưa vào sử dụng...
Cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 63 tỉnh, thành phố, kết nối tới 705 quận, huyện, 10.400 xã, phường, thị trấn thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến ngày 24-9, xuất cấp gần 59.000 tấn trên tổng số 134.000 tấn gạo cho các địa phương; hỗ trợ trên 17,78 triệu người (gần 17,4 triệu người lao động và gần 379.340 đơn vị sử dụng lao động) được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68/NQ-CP với kinh phí khoảng 14,27 tỷ đồng. Trong đó, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã thực hiện hỗ trợ 10,57 triệu đối tượng (chiếm 58,3% toàn quốc).
Riêng T.P Hồ Chí Minh đã chi trên 5.496 tỷ đồng hỗ trợ gần 2,56 triệu đối tượng và trao 1,8 triệu túi an sinh xã hội cho người dân. Các cấp công đoàn hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 4.600 tỷ đồng (tăng gần 300 tỷ đồng so với tuần trước đó).
Trong tuần, lực lượng quân đội đã cấp thuốc điều trị cho gần 77.000 người, cấp cứu gần 6.500 ca, lấy mẫu xét nghiệm cho gần 361.000 người, tiêm vaccine cho gần 122.000 người, tư vấn sức khỏe cho gần 97.000 người; sử dụng 124 chuyến xe tải, vận chuyển 422 tấn lương thực thực phẩm, hàng nông sản hỗ trợ nhân dân các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch. Lực lượng công an phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục rà soát, lập danh sách các trường hợp khó khăn để tiếp cận, hỗ trợ, bảo đảm thực hiện công tác hỗ trợ an dân, an sinh theo đúng đối tượng.
Đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ giảm mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chính sách vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất. Hầu hết các địa phương đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho trên 75% tổng số các đối tượng được phê duyệt; các địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao nhất là T.P Hồ Chí Minh (5.496 tỷ đồng), Hà Nội (1.387 tỷ đồng), Bình Dương (1.242 tỷ đồng), Đồng Nai (637 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (604,8 tỷ đồng), Bắc Giang (424 tỷ đồng)...