Vào những ngày này cách đây 76 năm, cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên bừng bừng khí thế cách mạng, sục sôi nổi dậy giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Chiều 20/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động thị xã, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc tuyên bố bãi bỏ chính quyền của Nhật và tay sai, thành lập UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên.
Thời khắc lịch sử đó còn in đậm trong tâm trí của nhiều người dân Thái Nguyên. Khi nhắc đến Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lão thành cách mạng Nông Thị Vèn, ở tổ 7, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) hay còn gọi là Nông Thị Cầm rưng rưng nước mắt, từng trang ký ức của 76 năm qua bỗng chốc ùa về: “Cuộc đời tôi cũng đã được chứng kiến nhiều biến cố lịch sử. Nhưng có lẽ ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở Thái Nguyên tôi không bao giờ quên được.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc tuyên bố xóa bỏ chính quyền của Nhật và tay sai, thành lập chính quyền nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên, thực hiện các chính sách của Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam. Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh do đồng chí Lê Trung Đình làm Chủ tịch ra mắt trong tiếng hò vang chiến thắng của hàng vạn quần chúng nhân dân, hạnh phúc đến mà vẫn ngỡ như mơ”.
Cuối năm 1944, đầu năm 1945, phong trào cách mạng trong nước phát triển rộng. Tại Thái Nguyên, khắp các huyện trong tỉnh một bộ phận Cứu Quốc quân cùng lực lượng tự vệ và quần chúng lần lượt nổi dậy đập tan chính quyền tay sai phát xít, thành lập chính quyền cách mạng.
Trước sự phát triển nhanh chóng của phong trào cách mạng, phát xít Nhật tìm cách đối phó. Sau khi tạm thời ổn định bộ máy tay sai ở thị xã, Bộ Chỉ huy quân Nhật ở Thái Nguyên đưa quân đánh chiếm các huyện lị trong tỉnh. Ngày 5/4/1945, chúng chiếm đóng huyện lị Đại Từ, Chợ Chu; ngày 9-5 chiếm La Hiên (Võ Nhai), Phương Độ (Phú Bình). Từ thị xã và các huyện lị, quân Nhật chiếm sâu vào các làng, xã.
Tại Tân Trào, Hồ Chí Minh chỉ thị phải gấp rút họp đại hội đại biểu quốc dân. Ngày 16/8/1945, Mặt trận Việt Minh triệu tập Đại hội Quốc dân quyết định: Tán thành lệnh Tổng khởi nghĩa của Đảng; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; quy định Quốc kỳ, Quốc ca; đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cũng trong ngày 16/8/1945, Đội Việt Nam Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã tiến về thị xã Thái Nguyên, ngày 19-8 tới Thịnh Đán. Tại đây, Đội tập kết ở chùa Đán, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã phổ biến kế hoạch tác chiến và giao nhiệm vụ cho các đơn vị. Các châu, huyện được lệnh đưa lực lượng của địa phương phối hợp với Quân Giải phóng đánh Nhật.
Sáng 20-8, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy một mũi quân bao vây, tấn công quân phát xít Nhật, giải phóng thị xã Thái Nguyên. Chiều cùng ngày, tại sân vận động thị xã đã diễn ra cuộc mít tinh lớn, Ủy ban Khởi nghĩa chính thức tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền của địch, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên.
Ngày 25/8/1945, phái viên của Bộ Tư lệnh quân Nhật cùng phái viên Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc từ Hà Nội lên Thái Nguyên giải quyết, tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật, Thái Nguyên hoàn toàn được giải phóng.
Ngày 28/8/1945, tại cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở sân vận động thị xã, UBND Cách mạng lâm thời tỉnh chính thức ra mắt trước sự chứng kiến của hàng vạn dân chúng từ các huyện trong tỉnh về dự. Trong niềm vui chiến thắng, mọi người hô vang các khẩu hiệu, thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng.
Kỷ niệm 76 năm ngày thành lập chính quyền cách mạng tỉnh Thái Nguyên năm nay, cũng là dịp cả nước hướng về 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Với mỗi con dân Thái Nguyên còn là lòng biết ơn vị tướng tài ba, lỗi lạc và những công lao to lớn trong lịch sử dân tộc, trong đó có những đóng góp đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Thái Nguyên. Niềm tự hào về lịch sử hào hùng của đất nước và của quê hương sẽ thôi thúc mỗi người dân nỗ lực hơn nữa để góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
T.S Nguyễn Xuân Minh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cận - hiện đại, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên: “Thị xã Thái Nguyên là một cứ điểm mạnh của địch, do đó việc giành chính quyền ở Thái Nguyên là yêu cầu cấp thiết để mở đường cho Quân Giải phóng tiến về Thủ đô Hà Nội”.