Xã Bình Sơn (T.P Sông Công) được biết đến là một “cái nôi” của cách mạng gắn với Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Căng Bá Vân (hay còn gọi là Trại giam Bá Vân). Phát huy truyền thống đó, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Sơn luôn nỗ lực phát triển kinh tế, chung sức xây dựng cuộc sống mới.
Ông Nguyễn Hoài Phương, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn chia sẻ: Với 8 dân tộc sinh sống ở 25 xóm, dù mang những nét văn hóa riêng biệt, song người dân đều có điểm chung là tinh thần đoàn kết, giàu lòng yêu nước.
Ngược dòng lịch sử, trong những năm 1940-1944, tại xã Bình Sơn, thực dân Pháp đã xây dựng Căng Bá Vân để giam giữ hơn 200 tù nhân là những người cộng sản, chiến sĩ cách mạng bị bắt giữ trong những ngày đấu tranh cách mạng. Với lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc sâu sắc, tại đây, cuộc đấu tranh của những chiến sĩ cộng sản diễn ra ngày càng quyết liệt.
Trên cơ sở đó, Chi bộ Căng Bá Vân đã được thành lập, bí mật họp bàn thực hiện việc đưa một số đồng chí ra khỏi Căng, bổ sung cho phong trào cách mạng đang sục sôi bên ngoài. Ngày 21/8/1944, 8 đảng viên của Chi bộ Căng Bá Vân đã vượt ngục an toàn, tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, góp phần làm nên chiến thắng chung của dân tộc.
Ngoài việc bảo vệ, nuôi dưỡng các đồng chí lãnh đạo, chiến sĩ về bí mật hoạt động cách mạng, trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, trên 300 người con của xã Bình Sơn trực tiếp tham gia chiến đấu, trong đó có 97 đồng chí đã anh dũng hy sinh; 45 đồng chí để lại một phần xương máu nơi chiến trường; 116 đồng chí mang trên mình chất độc hóa học.
Kết thúc chiến tranh, cán bộ và nhân dân Bình Sơn đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 467 Huân chương, Huy chương các hạng; 1 Bằng khen của Chính phủ cho tập thể; phong tặng 1 bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 1 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 8 gia đình có công với cách mạng...
Về Bình Sơn hôm nay, điều dễ dàng nhận thấy là hệ thống cơ sở vật chất ngày càng khang trang, các mô hình kinh tế đã và đang phát huy hiệu quả. Có kết quả này, thời gian qua, xã đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Hiện, xã đã quy hoạch được 10ha lúa lai chất lượng cao; thành lập mới 4 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác, 26 trang trại và 110 gia trại chăn nuôi. Trong 5 năm gần đây, xã đã tổ chức được trên 30 lớp đào tạo nghề cho trên 900 lao động nông thôn, trong đó 85% lao động sau đào tạo có việc làm thường xuyên...
Chè là cây trồng thế mạnh đang được phát huy tốt ở Bình Sơn.
Xác định chè là cây trồng thế mạnh, hằng năm, địa phương đã vận động nhân dân đưa các giống chè lai vào trồng thay thế chè trung du với diện tích 15-20ha/năm. Toàn xã hiện có hơn 300ha chè giống mới, quy hoạch được 2 vùng chè tập trung với diện tích 60ha và 2 mô hình chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 20ha. Đặc biệt năm 2019, xã đã thành lập được Hợp tác xã Trà Cao Sơn, ở xóm Khe Lim với diện tích vùng nguyên liệu 50ha, có 3 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP đạt 4 sao.
Khai thác lợi thế cảnh quan của hồ Ghềnh Chè với diện tích mặt nước khoảng 80ha, gồm 45 bán đảo, Bình Sơn đã từng bước xây dựng điểm du lịch cộng đồng, tạo nên điểm nhấn về du lịch tại địa phương.
Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm qua, hơn 400 hộ dân trong xã đã tự nguyện hiến 7,2ha đất các loại và đóng góp hàng tỷ đồng để làm đường giao thông và xây dựng các công trình công cộng khác. Đến nay, 100% đường trục xã; 97% đường trục xóm và trên 50% đường ngõ xóm đã được cứng hóa. Hệ thống trường học, trạm y tế ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Mặc dù vẫn còn những khó khăn, song Bình Sơn hôm nay đã và đang gặt hái được những thành công trên các lĩnh vực. Đó là kết quả từ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, góp phần tô thắm truyền thống quê hương anh hùng.