Đó là tâm niệm của chị Nguyễn Thị Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ. Chị đã cùng các đồng nghiệp thường xuyên bám sát cơ sở để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, từ đó tham mưu hiệu quả trong việc hỗ trợ, hướng dẫn, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, nâng cao đời sống.
Tiếp xúc với chị, tôi có cảm giác gần gũi. Trong câu chuyện về nghề nghiệp tới cuộc sống gia đình, chị mộc mạc nói: Công việc của chúng tôi hằng ngày tiếp xúc với nhân dân. Việc gì có lợi cho dân phải nỗ lực hết sức để làm. Với vai trò là Trưởng phòng tôi đã cùng tập thể tích cực tham mưu cho lãnh đạo huyện xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp theo hướng giúp dân khai thác có hiệu quả tài nguyên đất. Qua đó, địa phương đã xác định được các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp và thích ứng với từng vùng sinh thái. Bên cạnh đó, để tạo đòn bẩy, trợ lực cho dân, Phòng cũng đã tham mưu xây dựng kế hoạch sử dụng vốn sự nghiệp nông nghiệp để hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình hiệu quả. Đặc biệt là hỗ trợ người dân ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Để tham mưu hiệu quả các chính sách về lĩnh vực nông nghiệp và PTNT, chị đã cùng với cán bộ trong Phòng thường xuyên sâu sát cơ sở, gần dân, tìm hiểu thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện phát triển sản xuất để có sự tham mưu hiệu quả, huy động sự hưởng ứng chung tay của người dân.
Thế mạnh của Đồng Hỷ là cây chè và cây ăn quả, chị đã tích cực tham mưu để huyện đẩy mạnh việc vận động người dân trồng mới, trồng lại bằng các giống chè cành năng suất, chất lượng. Từ năm 2015 đến nay, hàng trăm ha chè cằn cỗi đã được trồng thay thế bằng các giống mới như Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, LDP1…
Hiện nay, trong số 3.800 ha chè của toàn huyện thì có tới 65% được trồng bằng các giống mới. Huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025 nâng tỷ lệ chè giống mới lên trên 80%. Cùng với đưa các giống chè mới vào trồng thay thế cây chè trung du năng suất thấp, Phòng Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh tuyên truyền để bà con sản xuất theo hướng an toàn, theo tiêu chuẩn VietGap; đa dạng hóa các sản phẩm chè.
Ngoài sản phẩm chè móc câu, tôm nõn truyền thống, giờ trên địa bàn Đồng Hỷ có nhiều gia đình, mô hình HTX sản xuất chè lộc xuân, trà xanh túi lọc, trà ướp hoa mộc, trà hoa cúc trắng, trà Đậu Biếc, trà Sen... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong chăn nuôi, khuyến khích người dân phát triển theo hướng trang trại. Đến đến thời điểm này, tổng đàn lợn của huyện có trên 50 nghìn con, gia cầm trên 1,5 triệu con; hình thành 110 trang trại (13 trang trại lợn, 97 trang trại nuôi gia cầm).
Đặc biệt, nhằm khai thác thế mạnh đất đai, chị đã cùng tập thể Phòng tham mưu cho huyện phát triển vùng sản xuất nhãn ở 2 xã Hóa Trung, Hóa Thượng. Hiện nay đã thực hiện ghép các giống nhãn năng suất, chất lượng tốt cho toàn bộ cây nhãn lâu năm quả nhỏ, giá trị kinh tế không cao. Đồng thời đưa cây na vào trồng tại vùng núi đá xã Quang Sơn được 28ha. Hình thành vùng trồng cây có múi tại xã Quang Sơn, Tân Long, Văn Hán. Xây dựng các mô hình trồng hoa tại các xã Hóa Thượng, Hóa Trung, Trại Cau, Sông Cầu… Qua đó góp phần nâng giá trị trên 1 ha đất trồng cây ăn quả đạt trên 200 triệu đồng/năm, tăng 90 triệu đồng/ha/năm so với năm 2015.
Để tham mưu hiệu quả ở lĩnh vực nông nghiệp và PTNT phải có chiến lược dài hơi. Với suy nghĩ đó, chị Hà đã chủ động báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo trong xây dựng các cơ chế, chính sách theo từng giai đoạn.
Đơn cử như chính sách hỗ trợ giá giống lúa, ngô. Theo chị Hà với chính sách này, mỗi năm trung bình các hộ nhận hỗ trợ giá giống ngô từ 50 đến 70 nghìn đồng, số tiền không lớn nhưng hiệu quả mang lại cao. Hiện nay, gần như bà con không để giống lúa, ngô, vì giống để lại cây trồng phát triển, sinh trưởng không đồng đều, nhiều sâu bệnh, năng suất không cao.
Thông qua chính sách trợ giá, nhiều giống lúa, ngô mới có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất, cơ cấu giống có sự chuyển biến tích cực. Giống lúa lai hiện chiếm trên 38% tổng diện tích gieo cấy toàn huyện, tăng 15% so với năm 2015; lúa thuần chất lượng cao chiếm 15% diện tích, giống ngô lai, ngô hàng hóa đạt 100% diện tích.
Trong 7 năm gắn bó ở lĩnh vực nông nghiệp, chị đã tham mưu xây dựng nhiều đề án và có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, đề tài khoa học như: Phương án sản xuất nông nghiệp hàng năm; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới huyện Đồng Hỷ giai đoạn 2016-2020; Mô hình cánh đồng mẫu lớn… được áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Lãnh đạo huyện, đồng nghiệp cũng như các xã và người dân đều đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm trong công việc và sự gần gũi, chân tình đáng quý ở chị Hà. Anh Lưu Quang Nghĩa, kỹ sư lâm nghiệp Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chia sẻ: Tôi khâm phục chị Hà bởi tấm gương lao động không mệt mỏi. Chị rất sát sao, rõ ràng trong công việc, trong chỉ đạo, điều hành. Mọi công việc đều đặt lợi ích của tập thể, người dân lên trên hết. Trong cuộc sống thường ngày, chị luôn gần gũi, quan tâm đến anh em cán bộ như người em trong gia đình.
Hơn 20 năm công tác, từ cán bộ phụ trách phong trào hợp tác xã, đến kế toán, chuyển sang công tác Thanh tra, Ủy ban Kiểm tra, rồi được điều động bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, ở cương vị nào chị cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Với sự nỗ lực không ngừng trong công tác, 5 năm qua, chị Hà liên tục được công nhận là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, UBND tỉnh tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen. Đặc biệt, mới đây chị Hà là 1 trong 3 cá nhân tiêu biểu của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 -2021.